Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại EU

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sang Châu Âu, ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá nghiêm ngặt thì còn phải đăng ký nhãn hiệu tại EU để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại EU
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại EU 2

Quy định về đăng ký nhãn hiệu tại EU

Năm 1996, Liên minh Châu Âu thiết lập một hệ thống đăng ký nhãn hiệu chung gọi là European Union Trade Mark (EUTM). Theo đó, chủ đơn chỉ cần nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu duy nhất và có thể được bảo hộ nhãn hiệu trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, nếu một quốc gia trong EU đưa ra thông báo từ chối bảo hộ nhãn hiệu thì nhãn hiệu này sẽ bị mất hiệu lực trên toàn lãnh thổ EU. Nếu điều này xảy ra, chủ đơn đăng ký nhãn hiệu hoàn toàn có thể chuyển đổi đơn đăng ký nhãn hiệu EU thành đơn đăng ký nhãn hiệu tại từng quốc gia thành viên chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu. Trường hợp này, chủ đơn vẫn được áp dụng cách tính ngày ưu tiên là ngày nộp đơn EU.

Pháp luật EU quy định nhãn hiệu có thể được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là sự thể hiện đó phải rõ ràng và chính xác. Như vậy, nhãn hiệu đăng ký tại EU có thể là nhãn hiệu bằng chữ viết, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị, chuyển động, đa phương tiện, … hoặc sự kết hợp các yếu tố này.

EU bảo hộ đối với nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu chứng nhận là loại nhãn hiệu xác nhận hàng hoá, dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện, đặc tính gắn liền với nhãn hiệu chứng nhận đó. Xem thêm về nhãn hiệu chứng nhận.

Cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU

Có 04 cách để tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU, bao gồm:

1/ Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia mà nhãn hiệu muốn được bảo hộ. Phương thức này phù hợp với các tổ chức, cá nhân chỉ muốn kinh doanh ở một hoặc một số ít các nước trong Liên minh Châu Âu, vì vậy để tiết kiệm chi phí đăng ký thì chủ đơn nên lựa chọn hình thức đăng ký trực tiếp này.

2/ Đối với các tổ chức, cá nhân muốn đăng ký nhãn hiệu đồng thời tại ba quốc gia là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg thì có thể lựa chọn cách nộp 1 đơn đăng ký nhãn hiệu duy nhất tại văn phòng sở hữu trí tuệ Benelux. Đây là cơ quan sở hữu trí tuệ khu vực do ba quốc gia này thiết lập.

3/ Nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại văn phòng sở hữu trí tuệ EU (EUIPO) trong trường hợp chủ đơn muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại tất cả cá quốc gia thuộc EU.

4/ Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid, chỉ định các quốc gia châu Âu mà chủ đơn muốn được bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia đó. Xem thêm về đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại EU

Hồ đăng ký nhãn hiện tại EU bao gồm các giấy tờ sau:

1/ Tờ khai đăng ký nhãn hiệu

2/ Tên và địa chỉ của chủ sở hữu nhãn hiệu

3/ Thông tin về nhãn hiệu đăng ký (bao gồm loại nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu, mô tả nhãn hiệu)

4/ Danh mục hàng hoá, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại EU

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại EU trải qua các bước dưới đây.

1/ Tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu tại EU

Chủ đơn nên tiến hành tra cứu trước khả năng bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia châu Âu mà mình dự định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, từ đó xác định chiến lược nộp đơn và cách thức nộp đơn phù hợp để tiết kiệm chi phí và thời gian.

Website tra cứu nhãn hiệu tại EU: https://www.tmdn.org/tmview/#/tmview

2/ Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU

Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu lựa chọn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU theo một trong bốn phương thức đã nêu ở phần trên. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam muốn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU phải nộp đơn thông qua một tổ chức có chức năng đại diện sở hữu công nghiệp tại EU.

3/ Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU

Sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU được chấp nhận hợp lệ, EUIPO sẽ công bố đơn đăng ký nhãn hiệu và bất kỳ bên thứ ba nào đều có quyền gửi văn bản phản đối đăng ký nhãn hiệu đó, việc phản đối này phải được thực hiện trong vòng ba tháng kể từ ngày nhãn hiệu được công bố.

4/Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU

Giai đoạn thẩm định đơn bắt đầu từ khi đơn được EUIPO công bố. Đây là thời gian để các quốc gia thuộc liên minh châu Âu xem xét đơn có đáp ứng yêu cầu bảo hộ của quốc gia mình hay không. Nếu đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ tại quốc gia mình, quốc gia đó có quyền gửi văn bản phản hồi cho EUIPO.

EUIPO có nghĩa vụ thông báo sự phản đối này cho chủ đơn đăng ký nhãn hiệu để chủ đơn phản hồi, sửa đổi, khiếu nại hoặc trả lời thông báo phản đối. Nếu chủ đơn không phản hồi hoặc phản hồi không thoả đáng thì nhãn hiệu có thể bị từ chối bảo hộ ở EU.

5/ Cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại EU

Trường hợp không có bất kỳ quốc gia hoặc bên thứ ba nào phản đối việc đăng ký nhãn hiệu hoặc có phản đối nhưng việc phản đối không thoả đáng, không thành công thì nhãn hiệu đó sẽ được cấp văn bằng bảo hộ tại EU. Văn bằng bảo hộ có thời hạn là 10 năm và có thể được gia hạn lại với số lần không giới hạn.

Tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục nộp đơn cho EUIPO khoảng 12 tháng.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại từng quốc gia thuộc EU và trên toàn lãnh thổ EU một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)