Pháp luật nước ngoài về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Bài viết phân tích một số quy định của pháp luật nước ngoài về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng.

Pháp luật nước ngoài về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng
Pháp luật nước ngoài về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng 3

Bộ Nguyên tắc Unidroit về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế do Viện Quốc tế về Thống nhất Luật Dân sự soạn thảo và ban hành. Bộ nguyên tắc này đưa ra những nguyên tắc chung để điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế.

Điều 7.4.1 Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế quy định: “Any non-performance gives the aggrieved party a right to damages either exclusively or in conjunction with any other remedies except where the non-performance is excused under these Principles”[1] (nghĩa là: Bất kỳ việc không thực hiện nào đều mang lại cho bên bị thiệt hại quyền được bồi thường thiệt hại hoặc kết hợp với bất kỳ biện pháp khắc phục nào khác, trừ trường hợp được miễn trừ theo Bộ nguyên tắc này). Điều này thiết lập nguyên tắc chung về quyền được bồi thường thiệt hại trong trường hợp một bên có hành vi không thực hiện (non-performance). Theo đó, trong một mối quan hệ hợp đồng, bên bị thiệt hại chỉ cần chứng minh bên còn lại không thực hiện hợp đồng, mà không cần thiết phải chứng minh có lỗi của bên không thực hiện hợp đồng.

Điều 7.4.2 Bộ nguyên tắc này cũng quy định:

“(1) The aggrieved party is entitled to full compensation for harm sustained as a result of the non-performance. Such harm includes both any loss which it suffered and any gain of which it was deprived, taking into account any gain to the aggrieved party resulting from its avoidance of cost or harm.

(2) Such harm may be non-pecuniary and includes, for instance, physical suffering or emotional distress.”[2]

(Nghĩa là:

(1) Bên bị thiệt hại có quyền được bồi thường đầy đủ những tổn hại do việc không thực hiện gây ra. Thiệt hại đó bao gồm bất kỳ tổn thất nào mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu và bất kỳ lợi ích nào mà bên đó đã bị tước đoạt, có tính đến những lợi ích cho bên bị thiệt hại nếu tránh các chi phí và tổn hại.

(2) Những tổn hại đó có thể không phải là tiền và bao gồm, ví dụ: chịu đựng về thể chất hoặc đau khổ về tinh thần.”

Theo quy định này, bên bị thiệt hại có quyền được bồi thường đầy đủ những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do việc bên còn lại không thực hiện hợp đồng. Đồng thời, điều này cũng khẳng định sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả giữa việc không thực hiện hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Việc một bên không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại và tổn thất cho bên còn lại. Ngoài ra, theo khoản 2 của Điều 7.4.2 nêu trên thì tổn thất được bồi thường bao gồm cả những tổn thất phi tiền tệ. Đó có thể là sự đau đớn khi tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm hoặc sự xấu hổ khi phẫu thuật thẩm mỹ thất bại hoặc sự thất vọng, buồn bực khi chất lượng của kỳ nghỉ dưỡng không đúng như cam kết hoặc sự khổ sở khi danh dự, uy tín bị xâm phạm.

Về mức bồi thường thiệt hại, khoản 3 Điều 7.4.3 Bộ nguyên tắc này có quy định: “Where the amount of damages cannot be established with a sufficient degree of certainty, the assessment is at the discretion of the court”[3] (Nghĩa là: Trong trường hợp không thể xác định được chính xác số tiền bồi thường thiệt hại thì việc đánh giá sẽ theo quyết định của tòa án). Thiệt hại về tinh thần là một loại thiệt hại không thể đo lường được một cách chính xác, vì vậy nó thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định nêu trên. Theo đó, quy định trên không đề cập đến quyền tự thoả thuận giữa các bên về việc bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng mà quyền đánh giá sẽ thuộc về Toà án.

Như vậy, Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế thừa nhận quyền được bồi thường thiệt hại về tinh thần do một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Để được bồi thường thiệt hại này, bên bị thiệt hại cần phải chứng minh có hành vi không thực hiện hợp đồng, có thiệt hại về tinh thần, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không thực hiện hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Bộ nguyên tắc không ghi nhận quyền thoả thuận của các bên về bồi thường tổn thất về tinh thần do vi phạm hợp đồng mà Toà án sẽ là cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ thiệt hại về tinh thần để xác định trách nhiệm bồi thường của bên vi phạm.

Bộ Nguyên tắc Luật Hợp đồng Châu Âu về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Bộ Nguyên tắc Luật Hợp đồng Châu Âu là văn bản pháp lý quốc tế do Ủy ban Luật Hợp đồng Châu Âu xây dựng với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của Cộng đồng Châu Âu. Đây được xem là bộ nguyên tắc hữu ích trong việc điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế.

Điều 9:501 của Bộ nguyên tắc này quy định:

“(1) The aggrieved party is entitled to damages for loss caused by the other party’s non-performance which is not excused under Article 8:108.

(2) The loss for which damages are recoverable includes:

(a) non-pecuniary loss ; and

(b) future loss which is reasonably likely to occur.”[4]

(Nghĩa là:

(1) Bên bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại do việc không thực hiện của bên kia nếu không được miễn trừ theo Điều 8:108.

(2) Những tổn thất có thể được bồi thường bao gồm:

(a) tổn thất phi tiền tệ; và

(b) tổn thất trong tương lai có khả năng xảy ra một cách hợp lý.)

Theo đó, Bộ Nguyên tắc Luật Hợp đồng Châu Âu cũng thừa nhận quyền được bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất về tinh thần trong trường hợp một bên không thực hiện hợp đồng. Tổn thất về tinh thần được bồi thường phải do hành vi không thực hiện hợp đồng gây ra.

Pháp luật nước ngoài về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng
Pháp luật nước ngoài về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng 4

Pháp luật Pháp về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Các quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tại Pháp được quy định chủ yếu tại Bộ luật Dân sự Pháp.

Điều 1231-2 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Bên có nghĩa vụ sẽ phải bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ nếu không chứng minh được việc không hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng”[5]. Như vậy, so với quy định của Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế thì pháp luật của Pháp quy định cụ thể hơn cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là từ việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Bên có quyền cũng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên vi phạm vì nếu bên vi phạm không chứng minh được việc vi phạm phát sinh do sự kiện bất khả kháng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, Điều 1231-2 Bộ luật Dân sự Pháp cũng quy định: “Thông thường, khoản tiền bồi thường thiệt hại mà bên có quyền được hưởng là để bù đắp phần lợi ích đã bị mất hoặc lẽ ra được hưởng, trừ các trường hợp ngoại lệ và các quy định khác dưới đây”[6]. Theo đó, phần lợi ích đã bị mất bao gồm cả những tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần.

Ngoài ra, Điều 1231-5 Bộ luật này cũng quy định: “Trong trường hợp hợp đồng quy định rằng bên nào không thực hiện hợp đồng thì sẽ phải trả một khoản tiền bồi thường thiệt hại được xác định thì bên kia không thể được trả một khoản tiền cao hơn hoặc thấp hơn khoản tiền đó. Tuy nhiên, tòa án có thể quyết định, kể cả mặc nhiên quyết định, giảm hoặc tăng khoản tiền bồi thường đã được các bên thỏa thuận nếu khoản tiền đó rõ ràng là quá cao hoặc quá thấp”[7]. Theo đó, có thể hiểu rằng nếu các bên thoả thuận trong hợp đồng một mức bồi thường tổn thất về tinh thần thì khi có vi phạm xảy ra, bên bị thiệt hại về tinh thần có thể được nhận mức bồi thường này. Điều luật này cũng trao quyền cho Toà án được can thiệp vào mức thoả thuận bồi thường của các bên nếu có căn cứ cho rằng mức bồi thường theo thoả thuận là quá cao hoặc quá thấp.

Như vậy, pháp luật Pháp thừa nhận bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng và bên bị thiệt hại không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của bên vi phạm khi yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Pháp luật Anh về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng

Pháp luật Anh là hệ thống pháp luật được áp dụng trên lãnh thổ Anh và xứ Wales và đặc trưng cho hệ thống Thông luật. Pháp luật Anh có ảnh hưởng lớn đến hệ thống pháp luật của các quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng Chung và Mỹ.

Hệ thống Thông luật từ lâu đã cho rằng những thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng là không thể phục hồi được.[8] Theo quy định của pháp luật Anh, yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ được chấp nhận dựa trên việc chứng minh được một tổn thất thực tế rõ ràng, không thể yêu cầu bồi thường những thiệt hại đơn thuần như căng thẳng, bất tiện hoặc tổn thương về cảm xúc khi hợp đồng bị vi phạm. Vì vậy, pháp luật Anh hiếm khi cho phép yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Trừ một số ngoại lệ, chẳng hạn như khi có căn cứ xác định được rằng mục tiêu quan trọng của hợp đồng là mang lại niềm vui hoặc sự thư giãn, ví dụ như một kỳ nghỉ.[9]

Ví dụ cho quan điểm truyền thống của pháp luật Anh trong trường hợp này là vụ kiện “Addis v Gramophone Co Ltd” (1909). Theo phán quyết trong vụ án này thì những thiệt hại do cảm giác bị tổn thương không thể được bồi thường trong một vụ kiện vi phạm hợp đồng[10] (sau đây được gọi là “Quy tắc Addis”). Sự khắc nghiệt của Quy tắc này đã dẫn đến rất nhiều trường hợp người bị thiệt hại không được bồi thường cho những tổn thất về tinh thần thật sự rất nghiêm trọng. Vì vậy, một số ngoại lệ của Quy tắc Addis đã được nghiên cứu, phát triển và thừa nhận.

  • Bồi thường cho sự bất tiện về thể chất: Trong vụ kiện “Hobbs v London and South Western Railway Co” (1875), Công ty đường sắt đã vi phạm hợp đồng và không đưa hành khách đến đúng điểm đến. Các chuyên gia cho rằng nguyên đơn có thể đòi lại không chỉ tiền vé mà còn cả sự bất tiện và khó chịu về thể chất khi phải đi bộ về nhà.[11]
  • Bồi thường tổn thất tinh thần trong các trường hợp nghỉ ngơi, lễ lạp (holiday cases): Theo ngoại lệ này, thiệt hại về tinh thần sẽ được bồi thường trong trường hợp mục tiêu của hợp đồng là mang lại niềm vui, sự an tâm, sự trải nghiệm thú vị hoặc lợi ích khác về mặt cảm xúc, ví dụ như trường hợp người chụp ảnh đám cưới không thực hiện nhiệm vụ của mình (vụ kiện “Diesen v Samson” (1971)) hoặc kỳ nghỉ không đúng như cam kết (vụ kiện “Jarvis v Swan Tours Ltd” (1973)).[12]

Như vậy, có thể kết luận rằng, về nguyên tắc thì pháp luật Anh không chấp nhận các yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng, trừ một số trường hợp ngoại lệ như bồi thường cho sự bất tiện về thể chất hoặc mục tiêu chính của hợp đồng là đem lại lợi ích về mặt cảm xúc cho bên tham gia hợp đồng.


[1] International Institute for the Unification of Private Law (2016), “Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế” (Unidroit Principles of International Commercial Contracts), trang 270.

[2] International Institute for the Unification of Private Law (2016), “Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế” (Unidroit Principles of International Commercial Contracts), trang 271.

[3] International Institute for the Unification of Private Law (2016), “Bộ Nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng Thương mại Quốc tế” (Unidroit Principles of International Commercial Contracts), trang 274.

[4] https://www.trans-lex.org/400200/_/pecl/, truy cập ngày 18/02/2024.

[5] Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (2018), “Bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp”, trang 281.

[6] Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (2018), “Bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp”, trang 281.

[7] Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (2018), “Bản dịch Bộ luật Dân sự Pháp”, trang 281.

[8] Renee Holmes, “Mental distress damages for breach of contract”, https://ojs.victoria.ac.nz/vuwlr/article/download/5709/5039/8007, truy cập ngày 19/02/2024.

[9] https://www.gannons.co.uk/insights/assess-breach-contract-damages-10-steps/, truy cập ngày 19/02/2024.

[10] Renee Holmes, “Mental distress damages for breach of contract”, https://ojs.victoria.ac.nz/vuwlr/article/download/5709/5039/8007, truy cập ngày 19/02/2024.

[11] Renee Holmes, “Mental distress damages for breach of contract”, https://ojs.victoria.ac.nz/vuwlr/article/download/5709/5039/8007, truy cập ngày 19/02/2024.

[12] Renee Holmes, “Mental distress damages for breach of contract”, https://ojs.victoria.ac.nz/vuwlr/article/download/5709/5039/8007, truy cập ngày 19/02/2024.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)