Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Bài viết trình bày quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ theo quy định mới nhất năm 2024.

thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại ấn độ
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ 2

Tra cứu đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Trước khi quyết định nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ, các tổ chức, cá nhân Việt Nam cần thực hiện thủ tục tra cứu để đảm bảo rằng nhãn hiệu mà mình dự định đăng ký không bị trùng hoặc tương tự có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã được bảo hộ hoặc đã được nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ trước đó.

Bước này sẽ giúp tổ chức, cá nhân Việt Nam tránh mất thời gian, tiền bạc và công sức vào việc đầu tư phát triển thương hiệu tại Ấn Độ nhưng cuối cùng lại không được bảo hộ.

Tổ chức, cá nhân có thể tự tra cứu nhãn hiệu tại Ấn Độ trên website của Văn phòng tổng kiểm soát sáng chế, kiểu dáng và nhãn hiệu của Ấn Độ (CGPDTM): https://ipindiaservices.gov.in/tmrpublicsearch/frmmain.aspx

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ bao gồm các bước sau:

1/ Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ phải có các thông tin bao gồm: Mô tả nhãn hiệu, hàng hoá/dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu, tên và địa chỉ của chủ sở hữu nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu.

Đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ có thể được nộp theo một trong 03 cách sau đây:

– Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại một trong các văn phòng đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ. Trụ sở chính của Cơ quan đăng ký nhãn hiệu được đặt tại Mumbai và các văn phòng chi nhánh tại Ahmedabad, Chennai, Delhi và Kolkata.

– Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tuyến tại https://www.ipindia.gov.in/trade-marks.htm

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid có chỉ định Ấn Độ.

2/ Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Sau khi nhận được đơn đăng ký nhãn hiệu, cơ quan nhãn hiệu của Ấn Độ sẽ kiểm tra đơn có đáp ứng các tiêu chuẩn về hình thức đơn theo quy định của Luật Nhãn hiệu của Ấn Độ hay không. Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu vi phạm một trong các yêu cầu về hình thức đơn thì đơn sẽ bị trả lại cho người nộp đơn để điều chỉnh.

3/ Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức, sẽ được công bố trên Tạp chí Nhãn hiệu (Trademark Journal)

Sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền nộp đơn phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu nhưng phải kèm theo lý do chính đáng. Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu phải nộp tuyên bố phản bác kèm theo các chứng cứ để bảo vệ cho việc đăng ký nhãn hiệu của mình.

Cơ quan nhãn hiệu của Ấn Độ sẽ xem xét, thẩm định tính hợp lý của đề nghị phản đối do bên thứ ba đưa ra. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này có thể tổ chức phiên điều trần để làm rõ nội dung vụ việc.

4/ Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ

Cơ quan nhãn hiệu tại Ấn Độ sẽ tiến hành kiểm tra liệu rằng nhãn hiệu có phù hợp với các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu tại Ấn Độ hay không.

Nếu nhãn hiệu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo hộ theo Luật Nhãn hiệu của Ấn Độ, không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký tại Ấn Độ trước đó thì Cơ quan nhãn hiệu tại Ấn Độ sẽ cho chủ đơn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Trường hợp nhãn hiệu không phù hợp tiêu chuẩn bảo hộ của Ấn Độ, bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã được bảo hộ hoặc nộp đơn đăng ký trước tại Ấn Độ thì Cơ quan nhãn hiệu Ấn Độ sẽ ban hành báo cáo về việc dự định từ chối bảo hộ nhãn hiệu. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định nêu trên, chủ sở hữu nhãn hiệu phải gửi văn bản phản hồi về lý do tại sao báo cáo nêu trên là chưa phù hợp và tại sao nhãn hiệu của mình đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ. Nếu phản hồi của chủ đơn là xác đáng và hợp lý, cơ quan nhãn hiệu sẽ cấp văn bằng bảo hộ cho chủ nhãn hiệu. Nếu chủ đơn không phản hồi hoặc lý do phản đối không hợp lý thì cơ quan nhãn hiệu sẽ ban hành thông báo chính thức từ chối bảo hộ nhãn hiệu.

5/ Cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu

Cơ quan nhãn hiệu của Ấn Độ sẽ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho các nhãn hiệu đáp ứng điều kiện bảo hộ, không bị phản đối hoặc phản đối không có hiệu lực. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực trong 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp.

Danh sách nhãn hiệu nổi tiếng tại Ấn Độ

Tính đến tháng 03 năm 2024, Ấn Độ đã công nhận 137 nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng tại Ấn Độ.

Danh sách nhãn hiệu nổi tiếng tại Ấn Độ

Nếu bạn đang có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tại Ấn Độ, liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký nhanh chóng và chuyên nghiệp.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)