Hotline:
Trong quan hệ vay mượn tiền, khi con nợ không trả được nợ thì chủ nợ sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi nợ. Một trong những biện pháp mà chủ nợ thường sử dụng phổ biến hiện nay là siết nợ. Tuy nhiên, việc siết nợ không đúng quy định của pháp luật có thể làm cho chủ nợ vô tình phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy siết nợ là gì? Siết nợ như thế nào là đúng pháp luật?
Siết nợ là gì?
Hiểu đơn giản, siết nợ là việc chủ nợ lấy tài sản của con nợ để cấn trừ nợ.
Trong thực tế, diễn ra nhiều trường hợp chủ nợ thuê người đến nhà con nợ để gây áp lực buộc con nợ phải trả tiền. Khi con nợ không trả được tiền, chủ nợ sẽ lấy tài sản của con nợ như tivi, bàn, ghế, tủ, … để cấn trừ nợ.
Lấy tài sản trừ nợ không đúng quy định của pháp luật
Việc siết nợ, hay còn gọi là lấy tài sản trừ nợ trên thực tế có thể xảy ra một trong các trường hợp sau:
1/ Chủ nợ tự mình hoặc thuê người sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực ngay tức khắc đối với con nợ hoặc người thân của con nợ để lấy tài sản. Trường hợp này, hành vi của chủ nợ đã đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự
Điều 168 Bộ luật hình sự về tội cướp tài sản
2/ Nếu chủ nợ có hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của con nợ, làm cho con nợ sợ nên phải giao tài sản cho chủ nợ thì đây là hành vi phạm vào tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.
3/ Nếu chủ nợ lợi dụng lúc con nợ vắng nhà để vào nhà siết tài sản thì chủ nợ sẽ phạm tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.
4/ Nếu chủ nợ lợi dụng hoàn cảnh con nợ đang trong tình trạng không đủ khả năng bảo vệ tài sản để ngang nhiên, công khai siết nợ thì hành vi này của chủ nợ có thể phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản tại Điều 172 Bộ luật Hình sự.
Siết nợ đúng pháp luật
Để việc siết nợ đúng quy định của pháp luật và chủ nợ không rơi vào các trường hợp phạm tội nêu trên, chủ nợ cần thực hiện theo các hướng dẫn sau đây:
1/ Chủ nợ và con nợ ký bản đối chiếu công nợ hoặc bản xác nhận nợ. Mục đích là để hai bên thống nhất xác định số tiền con nợ đang nợ chủ nợ để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.
2/ Thương thảo với con nợ về việc con nợ sử dụng tài sản để cấn trừ nợ. Việc thống nhất dùng tài sản để cấn trừ nợ phải được lập thành biên bản có xác nhận của chủ nợ và con nợ. Hai bên phải ghi rõ trong biên bản số tiền được quy đổi từ tài sản dùng để cấn trừ nợ và số nợ còn lại sau khi cấn trừ nợ.
3/ Yêu cầu con nợ ký vào biên bản bàn giao tài sản cho chủ nợ và thực hiện các thủ tục đăng ký sang tên (nếu có, đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, ví dụ: xe máy, …)
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.