Hotline:
Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Chiếm giữ trái phép tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự thì chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý hợp pháp tài sản hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được, sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Chiếm giữ trái phép tài sản dưới 10 triệu đồng chịu trách nhiệm gì?
Trong trường hợp chiếm giữ trái phép tài sản dưới 10 triệu đồng thì cần phân biệt hai trường hợp như sau:
– Nếu chiếm giữ trái phép tài sản là di vật, cổ vật thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự. Hình phạt theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự là phạt tiền từ 10 triệu đồng 50 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
– Nếu chiếm giữ trái phép tài sản là bảo vật quốc gia thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 176 Bộ luật Hình sự. Hình phạt theo khoản 2 Điều 176 Bộ luật Hình sự là bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.
– Nếu chiếm giữ trái phép tài sản dưới 10 triệu đồng và không phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Xử phạt hành chính chiếm giữ trái phép tài sản
Xử phạt hành chính chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. ……
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;
c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Như vậy, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại tài sản bị chiếm giữ trái phép và nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được (nếu có).
Điều 176 tội chiếm giữ trái phép tài sản
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản
Cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản bao gồm các dấu hiệu sau:
Chủ thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản
Chủ thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội này do không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự.
Khách thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản
Khách thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản là quan hệ sở hữu. Đối tượng tác động của tội chiếm giữ trái phép tài sản là tài sản, bao gồm: tiền, giấy tờ có giá, động sản, bất động sản, …
Mặt khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản
1/ Hành vi khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản
– Trước hết, người phạm tội có được tài sản là do được giao nhầm, do tìm được hoặc do bắt được. Việc được giao nhầm, tìm được hoặc bắt được tài sản của người phạm tội là ngay tình. Nếu người phạm tội có thủ đoạn gian dối để được giao, tìm được, bắt được tài sản thì người phạm tội không phạm tội này mà có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Thứ hai là người phạm tội cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tài sản sau khi nhận được yêu cầu trả lại tài sản từ các chủ thể này. Theo đó, dấu hiệu bắt buộc của tội này là chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản hoặc cơ quan có liên quan đến tài sản phải có yêu cầu được nhận lại tài sản và gửi yêu cầu này cho người phạm tội.
2/ Hậu quả của tội chiếm giữ trái phép tài sản
Hậu quả của tội chiếm giữ trái phép tài sản là tài sản đã bị giao nhầm, bị mất không thể thu hồi lại được. Người chiếm giữ trái phép tài sản chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tài sản bị chiếm giữ có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tài sản đó là cổ vật, di vật hoặc bảo vật quốc gia.
Việc xác định một tài sản có phải là cổ vật, di vật hoặc bảo vật quốc gia hay không phải căn cứ vào kết luận giám định của tổ chức có chức năng.
Mặt chủ quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là không trả lại tài sản mà mình có được do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được nhằm chiếm đoạt tài sản đó.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]