Hotline:
Tội cướp giật tài sản là một hành vi phạm pháp đặc biệt nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân cũng như cộng đồng. Cấu thành tội cướp giật tài sản bao gồm những yếu tố nào?
Cướp giật là gì?
Cướp giật là hành vi lợi dụng sơ hở của người đang quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản một cách công khai rồi nhanh chóng tẩu thoát.
Cướp giật là hành vi công khai, trắng trợn phạm tội vì người phạm tội không có ý thức giấu diếm hành vi phạm tội của mình mà thực hiện một cách công khai. Điểm khác biệt giữa hành vi cướp giật tài sản và hành vi cướp tài sản là trong tội cướp giật tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi và tẩu thoát một cách nhanh chóng.
Cấu thành tội cướp giật tài sản
Cấu thành tội cướp giật tài sản bao gồm các yếu tố sau:
Chủ thể của tội cướp giật tài sản
Người phạm tội cướp giật tài sản phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên. Riêng đối với hành vi cướp giật tài sản quy định tại khoản 1 thì người phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội cướp giật tài sản
Khách thể của tội cướp giật tài sản cũng giống như khách thể của tội cướp tài sản hoặc là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi lẽ, người thực hiện hành vi cướp giật tài sản đồng thời xâm phạm đến hai khách thể là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Rất nhiều trường hợp, hành vi cướp giật tài sản làm cho người bị cướp giật bị té, ngã xe ngoài đường và gây ra tai nạn, xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người bị cướp giật.
Mặt khách quan của tội cướp giật tài sản
Đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giật lấy tài sản từ người đang quản lý tài sản. Theo từ điển tiếng Việt, giật là động từ có nghĩa là làm cho rời ra, làm cho di chuyển một quãng ngắn bằng một động tác nhanh gọn và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn. Hành vi giật tài sản một cách nhanh chóng làm cho nạn nhân bị bất ngờ và không đủ khả năng giữ được tài sản. Hành vi giật tài sản được thực hiện một cách công khai, người phạm tội không có ý định che giấu hành vi của mình với nạn nhân.
Để thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng các thủ đoạn phạm tội dưới đây, làm cho nạn nhân không chú ý đến tài sản để thực hiện hành vi cướp giật.
– Giả vờ chen lấn, xô đẩy nạn nhân.
– Lợi dụng khoảng thời gian nạn nhân đang bận rộn làm việc khác.
– Dàn cảnh, tạo tình huống lấy lòng tin của nạn nhân rồi bất ngờ thực hiện hành vi.
– Lén lút tiếp cận nạn nhân rồi lợi dụng lúc họ không chú ý.
– Gây sự chú ý với nạn nhân, tạo điều kiện để đồng bọn thực hiện hành vi.
Hậu quả của tội cướp giật tài sản là gây ra thiệt hại về tài sản, có thể kèm theo hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ. Trong trường hợp xảy ra hậu quả về tính mạng, sức khoẻ thì người phạm tội bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng.
Mặt chủ quan của tội cướp giật tài sản
Người phạm tội cướp giật tài sản thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân.
Cướp giật tài sản bao nhiêu năm tù?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự, người phạm tội cướp giật tài sản có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội cướp giật tài sản có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạm tội có tổ chức
– Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
– Cướp giật tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
– Dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản
– Khi bị phát hiện, người cướp giật tài sản có hành vi hành hung người khác để tẩu thoát
– Gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%
– Cướp giật tài sản của người dưới 16 tuổi, người già yếu, người không có khả năng tự vệ.
– Cướp giật tài sản của người mà người phạm tội biết là đang mang thai.
– Hành vi cướp giật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Người phạm tội tái phạm nguy hiểm.
Nếu phạm tội cướp giật thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Cướp giật tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
– Gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%
– Lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để cướp giật tài sản
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội cướp giật có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Cướp giật tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.
– Gây thương tích cho một người với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên,
– Gây thương tích cho nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
– Cướp giật tài sản gây ra hậu quả là có người chết.
– Người phạm tội cướp giật tài sản đã lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp để phạm tội.
Ngoài việc bị phạt tù, người phạm tội cướp giật tài sản của người khác còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]