Bình luận tội cướp giật tài sản theo quy định pháp luật

Tội cướp giật tài sản đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và sự an toàn của những người bị tấn công. Bình luận tội cướp giật tài sản theo quy định của pháp luật hình sự.

Bình luận tội cướp giật tài sản theo quy định pháp luật
Bình luận tội cướp giật tài sản theo quy định pháp luật 2

Tội cướp giật tài sản là gì?

Tội cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi tẩu thoát mà không dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần của nạn nhân.

Đặc trưng của tội cướp giật tài sản là: Người phạm tội lợi dụng yếu tố bất ngờ, hành vi phạm tội công khai với nạn nhân, hành vi nhanh chóng nên nạn nhân không kịp phản ứng.

Bình luận tội cướp giật tài sản

Tội cướp giật tài sản hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản của nạn nhân. Việc người phạm tội nhanh chóng tẩu thoát chỉ là một đặc trưng của tội cướp giật tài sản chứ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này.

Bình luận tội cướp giật tài sản với tội trộm cắp tài sản

Ở tội trộm cắp tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi lén lút đối với người đang quản lý tài sản, ví dụ: lợi dụng trời tối, người có tài sản đang ngủ để đột nhập vào nhà lấy tài sản. Do đặc thù của việc lén lút nên người phạm tội thường thực hiện hành vi một cách chậm rãi, cẩn trọng. Sau khi trộm cắp tài sản, người phạm tội thường sẽ nhẹ nhàng tẩu thoát, tránh không để cho người có tài sản phát hiện ra việc tài sản đã bị chiếm đoạt. Như vậy, trước, trong và sau khi thực hiện hành vi trộm cắp, người phạm tội sẽ không để cho người có tài sản phát hiện ra hành vi của mình.

Đối với tội cướp giật tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi một cách công khai, ngang nhiên, không có thái độ giấu giếm đối với người có tài sản.

Bình luận tội cướp giật tài sản với tội cướp tài sản

Ở tội cướp tài sản, người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thủ đoạn khác làm cho người có tài sản không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản của họ. Vì vậy, đối với hành vi cướp tài sản, nạn nhân có một khoảng thời gian nhất định từ lúc bị tấn công đến lúc mất khả năng chống cự và bị chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội cướp giật tài sản, hành vi phạm tội diễn ra nhanh chóng chỉ trong một cái chớp mắt. Vì quá nhanh chóng nên nạn nhân không có thời gian để kịp phản ứng, dẫn đến không bảo vệ được tài sản của mình. Người phạm tội không có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho nạn nhân mất khả năng chống cự. Nạn nhân vẫn có khả năng chống cự nhưng việc phạm tội diễn ra quá nhanh nên họ không kịp phản ứng.

Bình luận tội cướp giật tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Ở tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Mặc dù cũng có yếu tố thực hiện hành vi một cách công khai giống tội cướp giật tài sản nhưng hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản không có dấu hiệu thực hiện hành vi một cách nhanh chóng. Bởi lẽ, trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nạn nhân biết việc tài sản của mình đang bị chiếm đoạt nhưng do bản thân đang bị vướng mắc nên không thể phản ứng lại để bảo vệ tài sản. Vì vậy, người phạm tội thường không vội vàng mà từ tốn lấy tài sản và tẩu thoát.

Đối với tội cướp giật tài sản, nạn nhân không bị vướng mắc gì ở khả năng bảo vệ tài sản của mình nhưng do hành vi giật xảy ra nhanh chóng nên họ không kịp phản ứng để bảo vệ tài sản.

Mức án tội cướp giật tài sản

Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội cướp giật tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị hình phạt bổ sung là bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm
đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già
yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm
đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm
đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)