Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Phần 1)

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết mà khi nó xảy ra trong một vụ án cụ thể sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ thuộc về người nào thì chỉ có giá trị áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người đó.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hiện nay được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Nội dung bài viết:
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Phần 1) 1
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1/ Tình tiết giảm nhẹ: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm

Hành động ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm có thể do người phạm tội tự giác làm hoặc làm sau khi được người khác khuyên bảo. Trong cả hai trường hợp, người phạm tội đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Hành động ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm phải thực tế xảy ra. Hành động đó phải thực sự ngăn chặn được hoặc làm giảm bớt được tác hại của tội phạm thì mới được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội có hành động nhưng không hiệu quả thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào thái độ của người phạm tội đối với việc ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm và mức độ tác hại mà người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt được.

2/ Tình tiết giảm nhẹ: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả

Đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại trên thực tế nhưng đã sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Sửa chữa là hành vi sửa lại những cái bị hư hỏng về trạng thái ban đầu trước khi hành vi phạm tội xảy ra. Bồi thường là đền bù những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác. Khắc phục hậu quả là khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường được.

Hành vi sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải do người phạm tội tự nguyện thực hiện. Thực tiễn xét xử cũng xem việc người phạm tội tác động đến người thân của mình để thay mình sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả cũng thuộc tình tiết giảm nhẹ này.

Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải được thực hiện trước khi Tòa án xét xử và xảy ra ở cấp xét xử nào thì cấp xét xử đó áp dụng là tình tiết giảm nhẹ.

Người phạm tội không cần phải sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả toàn bộ thì mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Khi xét mức sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, phải căn cứ vào khả năng kinh tế của người phạm tội so với thiệt hại thực tế xảy ra.

3/ Tình tiết giảm nhẹ: Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, người phạm tội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Người phạm tội vì bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác. Các lợi ích này có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất.

– Người bị hại phải là người đang có hành vi xâm phạm lợi ích chính đáng của Nhà nước, của người phạm tội, của người thân của người phạm tội hoặc của người khác.

– Hành vi chống trả của người phạm tội đối với người bị hại là quá mức cần thiết, không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người bị hại đang thực hiện.

4/ Tình tiết giảm nhẹ: Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, người phạm tội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Phải có sự nguy hiểm đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác. Sự nguy hiểm đang đe dọa phải là sự nguy hiểm ngay tức khắc và xảy ra trên thực tế.

– Người phạm tội gây thiệt hại để tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất, không còn biện pháp nào khác.

– Thiệt hại thực tế mà người phạm tội gây ra bằng hoặc lớn hơn thiệt hại muốn tránh.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Phần 1) 3
Các tình tiết giảm nhẹ thuộc về người nào thì chỉ có giá trị áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người đó

5/ Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Trường hợp trong khi bắt giữ người phạm tội mà gây thiệt hại rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

6/ Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra

Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, người phạm tội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Người bị hại có hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật không cần phải là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng. Hành vi trái pháp luật đó tác động lên người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội.

– Người phạm tội bị kích động về tinh thần. Sự kích động này không cần phải là kích động mạnh.

7/ Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra

Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, người phạm tội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Người phạm tội rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự khó khăn đó phải ở mức độ đặc biệt.

– Hoàn cảnh khó khăn mà người phạm tội gặp phải phải do hoàn cảnh khách quan gây ra. Nếu người phạm tội tự gây ra hoàn cảnh khó khăn cho mình thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

8/ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn

– Chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả của hành vi phạm tội chưa xảy ra.

– Gây thiệt hại không lớn là trường hợp hậu quả của hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng hậu quả không nghiêm trọng.

9/ Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng

Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, người phạm tội phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Người phạm tội phạm tội lần đầu, nghĩa là trước đây chưa bao giờ thực hiện hành vi phạm tội nào. Nếu người phạm tội trước đây đã thực hiện hành vi phạm tội khác nhưng chưa bị xử lý thì cũng không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

– Người phạm tội phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Điều này được hiểu là tội phạm được thực hiện có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù hoặc tuy khung hình phạt cao nhất trên 3 năm tù nhưng do tính chất, mức độ của hành vi phạm tội không nghiêm trọng nên người phạm tội có thể được xử phạt từ 3 năm tù trở xuống.

10/ Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức

Đây là trường hợp mà người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội do bị người khác đe dọa, cưỡng bức. Tuy nhiên, sự đe dọa hoặc cưỡng bức chưa đến mức làm cho người phạm tội bị tê liệt ý chí mà thực hiện hành vi phạm tội.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này sẽ phụ thuộc vào thủ đoạn đe dọa, cưỡng bức của người khác và trạng thái tinh thần của người phạm tội.

11/ Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra

Để được hưởng tình tiết giảm nhẹ này thì người phạm tội phải chứng minh được việc bị hạn chế khả năng nhận thức không phải do mình gây ra.

(Xem tiếp Phần 2)

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (3 bình chọn)