Hotline:
Hành vi vu khống người khác, đặc biệt là hành vi vu khống trên mạng xã hội ngày càng diễn ra phổ biến. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội vu khống? Vu khống người khác bị phạt như thế nào?
Hành vi vu khống là gì?
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự về tội vu khống thì vu khống là hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại cho người khác hoặc hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, hành vi vu khống có thể bao gồm các dạng hành vi sau:
– Bịa đặt những điều mà mình biết rõ là sai sự thật.
– Lan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật.
– Bịa đặt ra chuyện người khác phạm tội và tố cáo họ.
Tội vu khống bịa đặt
Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Phân tích cụ thể các hành vi của tội vu khống như sau:
Bịa đặt những điều mà mình biết rõ là sai sự thật
Bịa đặt có nghĩa là tự mình nghĩa ra một điều gì đó mà người khác không có. Ví dụ: Người khác không có quan hệ bất chính nhưng lại nói họ có quan hệ bất chính, người khác không trộm cắp nhưng lại dựng chuyện nói họ trộm cắp, …
Lan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật
Đối với hành vi này, người phạm tội tuy không phải là người bịa đặt, dựng lên câu chuyện nhưng họ lại là người đi loan truyền câu chuyện đó. Người loan truyền cũng phải biết rõ chuyện đó là sai sự thật nhưng vẫn đi loan truyền thì mới phạm tội.
Có nhiều hình thức để thực hiện hành vi loan truyền như: Sử dụng mạng xã hội, đăng báo, in ấn và phát tờ rơi, …
Bịa đặt ra chuyện người khác phạm tội và tố cáo họ
Hành vi này rất dễ nhầm lẫn với hành vi tố cáo người khác vì cho rằng họ phạm tội (nhưng thực tế họ không phạm tội). Sự khác nhau giữa hai hành vi này là ý thức chủ quan của người phạm tội. Nếu người phạm tội biết rõ người khác không phạm tội nhưng vẫn tố cáo họ thì phạm tội vu khống. Ngược lại, nếu do trình độ hiểu biết non kém nên nghĩ rằng người khác đã phạm tội và đi tố cáo họ thì không phạm tội vu khống.
Trên thực tế, rất khó xác định hành vi thuộc trường hợp này.
Ví dụ về tội vu khống
Theo bản án số 55/2022/HS-PT ngày 20/05/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên thì trong quá trình giải quyết thi hành án, ông Ngô Văn T đã làm đơn tố cáo ông Hoàng Nguyên K (chi cục trưởng chi cục thi hành án) và bà Lục Thị Q (chấp hành viên) về hành vi nhận hối lộ. Sau khi nhận được đơn tố giác của ông Ngô Văn T thì cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành xác minh vụ việc, trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký trên các giấy tờ biên nhận tiền. Kết quả giám định không phải là chữ ký, chữ viết của ông Hoàng Nguyên K và bà Lục Thị Q. Vì vậy, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can là ông Ngô Văn T về tội vu khống.
Tội vu khống người khác bị phạt như thế nào?
Người nào thực hiện hành vi vu khống người khác thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm. Cụ thể như sau:
Người phạm tội bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
– Phạm tội có tổ chức.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống người khác.
– Vu khống từ 02 người trở lên.
– Vu khống ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình.
– Vu khống người đang thi hành công vụ.
– Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi vu khống.
– Do hành vi vu khống mà người bị hại bị rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
– Vu khống người khác vì động cơ đê hèn.
– Do hành vi vu khống mà người bị hại bị rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
– Do hành vi vu khống mà người bị hại tự sát.
Các trường hợp còn lại:
Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên, người phạm tội vu khống có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.