Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Cưỡng đoạt tài sản là một trong những hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức. Vậy cưỡng đoạt tài sản là gì và tội cưỡng đoạt tài sản được quy định như thế nào theo pháp luật hình sự Việt Nam?

cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật
Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 3

Cưỡng đoạt tài sản là gì?

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để người bị đe doạ sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội hoặc vì sợ mà để người phạm tội chiếm đoạt tài sản hoặc vì sợ nên không dám thực hiện hành vi bảo vệ tài sản của mình.

Hành vi đe doạ dùng vũ lực trong tội cưỡng đoạt tài sản khác với hành vi đe doạ dùng vũ lực trong tội cướp tài sản ở chỗ: Trong tội cướp tài sản, việc sử dụng vũ lực phải có khả năng diễn ra ngay tức khắc tại thời điểm bị đe doạ. Ở tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi đe doạ dùng vũ lực không mang tính chất có thể dùng vũ lực ngay tức khắc.

Ví dụ về tội cưỡng đoạt tài sản

– Đe doạ sẽ đánh đập người bị hại nếu người bị hại không giao tài sản.

– Đe doạ sẽ đập phá nhà cửa của người bị hại nếu người bị hại không giao tài sản.

– Đe doạ sẽ tố cáo hành vi ngoại tình của người bị hại nếu người bị hại không giao tài sản.

– Đe doạ nếu người bị hại tiếp tục đòi nợ thì sẽ tố cáo việc người bị hại nhận hối lộ.

Dấu hiệu bắt buộc của tội cưỡng đoạt tài sản

Dấu hiệu bắt buộc của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội phải có hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Đe doạ dùng vũ lực là hành vi bằng lời nói hoặc hành động làm cho người bị đe doạ sợ mà giao tài sản cho người phạm tội hoặc để mặc cho người phạm tội chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần của người bị hại là những thủ đoạn khác ngoài việc đe doạ dùng vũ lực, có tác dụng gây áp lực lên tinh thần của người bị hại để họ sợ mà giao tài sản cho người phạm tội hoặc để mặc cho người phạm tội chiếm đoạt tài sản.

Mục đích của người phạm tội phải là nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu người phạm tội thực hiện các hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần của người bị hại nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác thì không phạm tội cưỡng đoạt tài sản mà có thể phạm vào tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.

tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành khi nào
Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 4

Tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành khi nào?

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, không cần phải có hậu quả xảy ra. Tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người bị hại.

Nếu người phạm tội đã thực tế chiếm đoạt được tài sản thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt sẽ là căn cứ để định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Cưỡng đoạt tài sản bao nhiêu thì bị truy tố?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác với mục đích chiếm đoạt tài sản là đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản và bị truy tố, bất kể giá trị tài sản bị cưỡng đoạt là bao nhiêu.

Từ đó, có thể hiểu người phạm tội chưa cưỡng đoạt được tài sản hoặc chỉ cưỡng đoạt tài sản 1 đồng thì cũng sẽ bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản.

Người dưới 16 tuổi phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Tội rất nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm đến 15 năm tù. Tội đặc biệt nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 170 Bộ luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)