Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Phần 2)

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết mà khi nó xảy ra trong một vụ án cụ thể sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ thuộc về người nào thì chỉ có giá trị áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người đó.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hiện đang được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự còn lại.

Nội dung bài viết:
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Phần 2) 1
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hiện đang được quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

12/ Tình tiết giảm nhẹ: Phạm tội do lạc hậu

Phạm tội do lạc hậu là trường hợp người phạm tội do ảnh hưởng của phong tục, tập quán, tín ngưỡng nên không nhận thức được hành vi mà mình thực hiện là trái pháp luật.

Nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu là do khách quan. Người phạm tội không được tiếp xúc, học tập, không có điều kiện để nhận biết được cái tiến bộ và cái lạc hậu.

Tình tiết giảm nhẹ này thường được áp dụng đối với người đồng bào dân tộc thiểu số lạc hậu.

13/ Tình tiết giảm nhẹ: Người phạm tội là phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai thường có biểu hiện khác thường về tâm lý như dễ cáu gắt, nóng giận, xúc động, lo sợ, … Trong một số trường hợp, trạng thái tâm lý này có ảnh hưởng đến việc phạm tội của họ. Vì vậy, phụ nữ phạm tội lúc đang mang thai được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ.

Để được Tòa án cho hưởng tình tiết giảm nhẹ này, người phạm tội phải chứng minh được tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mình đang mang thai. Nếu sau khi thực hiện tội phạm mới mang thai thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

14/ Tình tiết giảm nhẹ: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên

Người phạm tội từ đủ 70 tuổi trở lên thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Cơ sở để xác định tuổi của người phạm tội căn cứ vào giấy khai sinh, giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác có giá trị xác định ngày sinh của người đó. Trong trường hợp không có giấy tờ xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh thì tuổi của người phạm tội được xác định như sau:

– Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

– Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

– Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

15/ Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng

Để được Tòa án cho hưởng tình tiết giảm nhẹ này, người phạm tội phải có chứng nhận khuyết tật của Hội đồng giám định. Nếu tỷ lệ khuyết tật từ 61% đến 80% thì gọi là khuyết tật nặng. Nếu tỷ lệ khuyết tật trên 80% thì là khuyết tật đặc biệt nặng.

16/ Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình

Để được Tòa án cho hưởng tình tiết giảm nhẹ này, khi thực hiện tội phạm, người phạm tội phải đang mắc một căn bệnh mà căn bệnh đó làm họ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình. Từ đó, mới dẫn đến việc họ thực hiện hành vi phạm tội.

Nguyên nhân căn bệnh đó phải do bẩm sinh hoặc do khách quan. Nếu người phạm tội tự đưa mình vào trạng thái bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Trong trường hợp này, người phạm tội vẫn còn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó. Nếu họ bị bệnh đến mất khả năng nhận thức thì họ không phạm tội.

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Phần 2) 3
Các tình tiết giảm nhẹ thuộc về người nào thì chỉ có giá trị áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người đó

17/ Tình tiết giảm nhẹ: Người phạm tội tự thú

Tự thú là tự nói ra hành vi phạm tội của mình. Tự thú có nghĩa là khi hành vi phạm tội chưa bị phát hiện, người phạm tội đã chủ động đến cơ quan công an khai báo hành vi phạm tội của mình.

Nếu hành vi phạm tội của họ đã bị phát hiện, sau đó họ mới đến cơ quan công an để trình diện thì không phải là tự thú. Trường hợp như vậy gọi là đầu thú và không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

18/ Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải

Thành khẩn khai báo là khai trung thực, đầy đủ mọi vấn đề liên quan đến hành vi phạm tội của mình để các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng kết thúc vụ án.

Ăn năn hối cải là việc người phạm tội thể hiện thái độ ăn năn đối với hành vi mà mình đã thực hiện, đối với hậu quả mà mình đã gây ra cho người bị hại và mong muốn hối cải, sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời.

19/ Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án

Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án bao gồm các hành vi sau:

– Cung cấp thông tin, chứng cứ có ý nghĩa thiết thực trong việc phát hiện và điều tra tội phạm

– Chỉ nơi cất giấu tang vật

– Chỉ nơi ẩn nấp của người phạm tội khác

– Chủ động khai báo về tội phạm khác chưa bị phát hiện

– Các hành vi khác có ý nghĩa trong việc phát hiện và điều tra tội phạm.

20/ Người phạm tội đã lập công chuộc tội

Lập công chuộc tội là sau khi phạm tội, người phạm tội đã có hành động thực tế cứu người, cứu tài sản của tổ chức, cá nhân khác, hành động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tặng giấy khen.

21/ Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác

Trước khi phạm tội, nếu người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tặng giấy khen thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Các thành tích xuất sắc có thể là: Có sáng chế, phát minh lớn, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, …

22/ Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ

Để được Tòa án áp dụng tình tiết này, người phạm tội phải thuộc một trong hai trường hợp sau:

– Bản thân người phạm tội là người có công với cách mạng. Nếu người phạm tội có ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng là người có công với cách mạng thì không được hưởng tình tiết này.

– Bố, mẹ, vợ, chồng, con của người phạm tội là liệt sĩ.

Xem thêm Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phần 1: https://luat90.com/tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-phan-1/

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)