Thủ tục khởi kiện đòi nợ như thế nào cho đúng?

Trong thời gian gần đây, việc thu hồi nợ diễn biến vô cùng phức tạp. Một số tổ chức áp dụng các biện pháp trái quy định của pháp luật để thu hồi nợ như: đe doạ, khủng bố con nợ, gửi quan tài đến nhà con nợ, gọi điện làm phiền người thân, bạn bè của con nợ, … Một số hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật, cấu thành tội phạm đã bị cơ quan công an điều tra và khởi tố hình sự. Vậy thủ tục khởi kiện đòi nợ như thế nào cho đúng?

khởi kiện đòi nợ tại Toà án
Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về đòi nợ

Nhờ công an đòi nợ có được không?

Giao dịch vay mượn tiền giữa các cá nhân với cá nhân, giữa tổ chức với tổ chức hoặc giữa cá nhân với tổ chức là các giao dịch dân sự. Cơ quan công an chỉ chịu trách nhiệm khởi tố, điều tra đối với các vụ án hình sự. Vì vậy, thông thường, cơ quan công an sẽ không có trách nhiệm đòi nợ cho người dân.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, nếu quan hệ vay mượn nợ cấu thành một tội phạm hình sự thì bạn có thể làm đơn tố giác để cơ quan công an vào cuộc xử lý:

– Sau khi nhận được tiền vay, con nợ đã dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay.

– Đến thời hạn trả nợ, mặc dù con nợ có điều kiện trả nợ nhưng vẫn cố tình không trả.

– Con nợ đã sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp nên không có khả năng trả nợ.

Thủ tục khởi kiện đòi nợ như thế nào cho đúng?

Theo quy định của pháp luật, các tranh chấp dân sự nếu các bên không tự thoả thuận và hoà giải được thì có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết. Như vậy, Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự về vay mượn tiền.

Để được Toà án thụ lý giải quyết vụ việc, bạn cần làm đơn khởi kiện nộp cho Toà án có thẩm quyền. Toà án có thẩm quyền là Toà án huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh nơi con nợ có địa chỉ cư trú (nếu con nợ là cá nhân) và nơi con nợ có địa chỉ trụ sở (nếu con nợ là tổ chức).

Chủ nợ nên bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn phương án thu hồi nợ đúng đắn, phù hợp với pháp luật. Chủ nợ không nên áp dụng các biện pháp mang tính chất bạo lực, đe doạ con nợ vì dễ gây ra hậu quả ngược cho bản thân nếu các hành vi đó vi phạm pháp luật hình sự.

Cách viết đơn khởi kiện đòi nợ

Bước 1. Tải mẫu đơn khởi kiện.

Mẫu đơn khởi kiện đòi nợ cá nhân

Mẫu đơn khởi kiện đòi nợ doanh nghiệp

Bước 2. Điền các thông tin còn thiếu vào đơn khởi kiện.

– Địa điểm làm đơn khởi kiện.

– Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh nào. Ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B. Nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào. Ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh B và địa chỉ của Toà án đó.

– Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên. Nếu người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó.

– Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó.

– Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện.

– Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.

– Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự

– Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó. Trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ.

– Nếu người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

– Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

– Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận.

đơn khởi kiện đòi nợ
Cách soạn đơn khởi kiện đòi nợ đúng quy định pháp luật

Bước 3. Sao y các tài liệu, chứng cứ

– Hợp đồng vay tiền, giấy vay tiền.

– Giấy xác nhận nhận tiền vay, sao kê ngân hàng chuyển tiền cho vay.

– Căn cước công dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có).

Chi phí khởi kiện đòi nợ

1. Án phí

Người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí cho Toà án. Sau khi Toà án xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người khởi kiện thắng kiện thì sẽ được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí này.

Số tiền tạm ứng án phí được tính trên cơ sở số tiền mà người khởi kiện yêu cầu con nợ hoàn trả.

Cách tính tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.

2. Phí luật sư

Phí luật sư là chi phí mà người khởi kiện trả cho dịch vụ pháp lý của luật sư. Phí luật sư bao gồm phí tư vấn, phí soạn thảo đơn khởi kiện, phí đại diện theo uỷ quyền cho người khởi kiện hoặc phí bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện tại Toà án.

Người khởi kiện chỉ phải chi trả phí luật sư nếu sử dụng dịch vụ pháp lý của Văn phòng Luật sư hoặc Công ty Luật.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)