Hotline:
Việc đứng tên giùm trên giấy phép kinh doanh tại Việt Nam, dù xuất phát từ mối quan hệ thân thiết hoặc giúp đỡ người khác, có thể mang lại nhiều rủi ro pháp lý và tài chính nghiêm trọng.

Rủi ro pháp lý khi đứng tên giùm trên giấy phép kinh doanh tại Việt Nam
Khi đứng tên giùm trên giấy phép kinh doanh, người đứng tên sẽ được coi là chủ sở hữu hợp pháp và/ hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty. Do đó, mọi trách nhiệm pháp lý phát sinh từ hoạt động kinh doanh của công ty đều gắn liền với người đứng tên giùm.
1/ Trách nhiệm dân sự
Nếu người nhờ bạn đứng tên giùm cố ý chiếm dụng tài sản của công ty hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối pháp lý đến từ khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, ngân hàng, … Khi công ty không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, chẳng hạn như giao hàng không đúng hẹn, cung cấp dịch vụ kém chất lượng, hoặc không thanh toán các khoản nợ, khách hàng và nhà cung cấp sẽ trực tiếp yêu cầu bạn – người đứng tên trên giấy phép kinh doanh – giải quyết vấn đề.
Khi công ty bị khởi kiện vì không trả nợ, vi phạm hợp đồng hoặc các tranh chấp khác, bạn sẽ bị tòa án triệu tập làm việc với tư cách là người đại diện pháp luật. Điều này buộc bạn phải trực tiếp tham gia các buổi hòa giải, phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, giải trình trước tòa về hoạt động kinh doanh của công ty, dù bạn không trực tiếp điều hành và đối mặt với áp lực pháp lý từ các bên nguyên đơn và cơ quan thi hành án.
Chủ nợ, bao gồm ngân hàng, đối tác hoặc cá nhân cho vay, có thể sử dụng nhiều biện pháp gây áp lực để đòi nợ như liên tục gọi điện, nhắn tin để yêu cầu trả nợ, gây căng thẳng và phiền phức trong sinh hoạt hàng ngày. Chủ nợ có thể tìm đến địa chỉ nhà bạn hoặc nơi làm việc để gây áp lực trước mặt gia đình và đồng nghiệp. Một số trường hợp, chủ nợ thuê các đơn vị đòi nợ chuyên nghiệp hoặc thậm chí sử dụng các biện pháp đe dọa, khiến bạn và gia đình cảm thấy bất an.
2/ Trách nhiệm hình sự
Nếu doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm hoặc các hành vi phạm pháp khác, người đứng tên trên giấy phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
- Tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự với hình phạt tiền đối với cá nhân có thể lên đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù có thể lên đến 20 năm tù, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Ngoài ra còn có các tội khác như tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 BLHS), tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS), tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS), …
Việc thay đổi giấy phép kinh doanh hoặc rút tên khỏi vai trò chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện pháp luật thường phức tạp và phụ thuộc vào người điều hành thực tế. Nếu họ không hợp tác cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc thay đổi người đại diện của công ty, bạn sẽ bị ràng buộc lâu dài và không thể rút lui.
Rủi ro tài chính khi đứng tên giùm trên giấy phép kinh doanh tại Việt Nam
1/ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, thành viên góp vốn trong công ty hợp danh
Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng rằng chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc các thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn điều lệ đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020.
Nếu vốn góp không đủ, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính tương ứng với phần vốn chưa góp đủ. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp TNHH hoặc cổ phần đăng ký vốn điều lệ cao nhưng không thực góp. Trong trường hợp công ty không có đủ tài sản để trả nợ, các chủ nợ, đối tác, hoặc cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bạn – với tư cách là thành viên góp vốn hoặc cổ đông – phải chịu trách nhiệm bù đắp phần vốn thiếu.
Khi có tranh chấp kinh doanh hoặc khi công ty phá sản, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra mức vốn thực góp. Nếu phát hiện vốn điều lệ đăng ký không đúng với vốn thực góp, bạn – với tư cách là người đứng tên hoặc thành viên góp vốn – sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan (khách hàng, đối tác, nhà cung cấp…) và phải nộp đủ phần vốn chưa góp để đảm bảo quyền lợi cho chủ nợ và các bên liên quan.
2/ Đối với doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh hoặc thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
Nếu bạn đứng tên giùm cho doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hoặc thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, bạn phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, vì pháp luật không giới hạn trách nhiệm tài chính của người đứng tên trong các trường hợp này.
Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp chuyên nghiệp tại DCNH Law
Công ty Luật TNHH DCNH Law tự hào cung cấp dịch vụ tư vấn doanh nghiệp toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu pháp lý của khách hàng trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển kinh doanh. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, chúng tôi hỗ trợ khách hàng từ thủ tục đăng ký doanh nghiệp, soạn thảo hợp đồng, giải quyết tranh chấp đến tư vấn tái cấu trúc hoặc giải thể. Cam kết của chúng tôi là mang đến giải pháp pháp lý chính xác, hiệu quả, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và giảm thiểu tối đa rủi ro pháp lý. Hãy để DCNH Law đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp bạn!
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: dcnh.law@gmail.com