Người đưa hối lộ có bị phạt không?

Hành vi đưa hối lộ thường gắn liền với hành vi nhận hối lộ. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ tất nhiên sẽ bị chế tài theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người đưa hối lộ có bị phạt không, họ sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Trường hợp nào người đưa hối lộ sẽ không bị phạt?

Nội dung bài viết:

Người đưa hối lộ có bị phạt không? 1
Người đưa hối lộ có bị phạt không?

Tội đưa hối lộ là gì?

Đưa hối lộ được hiểu là hành vi trực tiếp hoặc thông qua một bên trung gian khác để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn tiền, tài sản hoặc bất kỳ lợi ích vật chất, tinh thần nào khác để người này làm hoặc không làm một việc gì đó nhằm vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.

Như vậy, ngoài các lợi ích vật chất trị giá được bằng tiền thì các lợi ích phi vật chất cũng được xem là công cụ để thực hiện hành vi đưa hối lộ. Ví dụ về lợi ích phi vật chất: xin việc giùm cho con, cháu trái quy định.

Đặc điểm của hành vi đưa hối lộ

1/ Việc đưa hối lộ có thể diễn ra trước, trong hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn hoàn thành công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

2/ Người đưa hối lộ có thể đưa trực tiếp tiền, tài sản cho người nhận hối lộ hoặc thông qua một bên trung gian khác để đưa cho người nhận hối lộ.

3/ Người nhận hối lộ có thể là người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân của người đó.

4/ Công cụ hối lộ có thể là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất.

Đưa hối lộ bao nhiêu thì bị truy tố?

Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người đưa hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với lợi ích phi vật chất thì không áp dụng mức quy đổi thành tiền. Mọi hành vi đưa hối lộ dưới dạng lợi ích phi vật chất đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đưa hối lộ có bị phạt không? 3
Người đưa hối lộ có thể bị xử phạt đến 20 năm tù.

Tội đưa hối lộ bị phạt như thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi đưa hối lộ và số tiền đưa hối lộ mà người đưa hối lộ sẽ bị xử phạt các mức án khác nhau. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, các mức xử phạt cụ thể như sau:

– Nếu đưa hối lộ bằng tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đưa hối lộ bằng lợi ích phi vật chất thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

– Nếu đưa hối lộ có tổ chức hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt hoặc dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa hối lộ hoặc đưa hối lộ từ 2 lần trở lên hoặc đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

– Nếu đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.

– Nếu đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Như vậy, khung cao nhất tội đưa hối lộ là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Tội đưa hối lộ không bị tử hình.

Đưa hối lộ dưới 2 triệu đồng

Nếu chỉ đưa hối lộ bằng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị dưới 2 triệu đồng thì người đưa hối lộ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính (thường là phạt tiền) theo các quy định pháp luật tương ứng trong từng lĩnh vực vi phạm.

Bị ép buộc đưa hối lộ thì không có tội

Cũng theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự hiện hành, trường hợp người đưa hối lộ vì bị người khác ép buộc, đã chủ động đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khai báo trước khi bị phát giác thì sẽ không bị xử lý về tội đưa hối lộ và được trả lại toàn bộ tiền, tài sản, lợi ích đã dùng để đưa hối lộ.

Người phạm tội đưa hối lộ có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Trường hợp người đưa hối lộ, mặc dù không bị người khác ép buộc nhưng đã chủ động khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, lợi ích đã dùng để đưa hối lộ. Tùy giai đoạn người đưa hối lộ chủ động khai báo, tố giác và tùy thuộc vào số tiền đưa hối lộ, mức độ nghiêm trọng của sự việc mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cân nhắc cho người đưa hối lộ có được miễn trách nhiệm hình sự hay không.

Người đưa hối lộ có bị phạt không? 5
Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện thì có thể không bị xử phạt.

Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)