Mục đích của M&A

Những năm gần đây, làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, hay còn gọi là M&A diễn ra sôi động tại Việt Nam. Quy mô và giá trị của các thương vụ M&A ngày càng gia tăng. Cùng tìm hiểu mục đích của M&A qua bài viết này nhé.

mục đích của m&a
Mục đích của M&A 3

M&A là gì?

M&A là viết tắt của hai từ tiếng Anh là MERGER (sáp nhập) và ACQUISITION (mua lại). M&A là việc mua lại, giành quyền kiểm soát sản nghiệp có sẵn của một tổ chức hoặc cá nhân. Mục tiêu mua lại có thể là một doanh nghiệp hoặc tài sản của doanh nghiệp để tiến hành một hoạt động kinh doanh nào đó.

Ví dụ về M&A

Nói đến ví dụ về M&A tại Việt Nam, có thể kể đến một số vụ việc nổi tiếng như sau:

– Central Group mua lại hệ thống Siêu thị Big C.

– Tập đoàn TCC mua lại hệ thống Siêu thị Metro.

– Thaibev mua lại Sabeco.

– Vinfast mua lại nhà máy GM.

– GIC Private Limited mua lại Vinhomes.

– Vinacapital mua lại khách sạn Hilton Opera Hà Nội.

Mục đích của M&A

Khi các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động M&A, mục đích của họ là muốn giành quyền kiểm soát một doanh nghiệp. Thông thường, họ sẽ mua một số lượng cổ phần nhất định để đủ tỷ lệ vốn biểu quyết các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp đó. Tỷ lệ vốn này thường là 50% – 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp mục tiêu, tuỳ vào loại hình doanh nghiệp và nội dung điều lệ của doanh nghiệp mục tiêu.

Trên cơ sở đó, mục đích của M&A bao gồm:

– Mở rộng thị phần, hạn chế đối thủ cạnh tranh.

– Tận dụng cơ sở vật chất, thương hiệu, uy tín, nguồn nhân lực, trình độ khoa học – công nghệ mà doanh nghiệp mục tiêu đã có sẵn.

– Mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sang lĩnh vực khác một cách nhanh chóng mà không mất thời gian xây dựng từ đầu.

– Chỉ cần bỏ chi phí đủ để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu, không cần bỏ toàn bộ chi phí xây dựng doanh nghiệp.

Các hình thức M&A

Có rất nhiều căn cứ để phân loại các hình thức của M&A. Tuy nhiên, cách phân loại phổ biến là dựa trên chức năng của các công ty tham gia thương vụ M&A. Theo cách phân loại này, có ba hình thức là: M&A theo chiều ngang, M&A theo chiều dọc và M&A kết hợp cả chiều ngang và chiều dọc.

các hình thức m&a
Mục đích của M&A 4
M&A theo chiều ngang

M&A theo chiều ngang là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp có cùng hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, đây là hình thức cộng các doanh nghiệp cùng cung cấp một sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Ví dụ: Uber sáp nhập vào Grab

Việc sáp nhập này sẽ làm tăng thị phần của doanh nghiệp sau sáp nhập trên thị trường. Mục đích của việc mua bán, sáp nhập theo chiều ngang là nhằm tăng thị phần doanh nghiệp, loại bỏ bớt đối thủ cạnh tranh, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận.

M&A theo chiều dọc

M&A theo chiều dọc là hình thức mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp trong cùng một chuỗi sản xuất, kinh doanh. Trước khi sáp nhập, mỗi doanh nghiệp phụ trách một giai đoạn khác nhau trong chuỗi sản xuất, kinh doanh để đưa một loại hàng hoá, dịch vụ cung cấp ra thị trường. Ví dụ: Vinfast mua lại nhà máy GM.

Việc sáp nhập này sẽ giúp cho doanh nghiệp bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào của sản phẩm, dịch vụ, tránh gián đoạn trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, việc sáp nhập này cũng giúp giảm giá thành các khâu trung gian và hạn chế nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào của các đối thủ cạnh tranh.

M&A kết hợp cả chiều ngang và chiều dọc

M&A kết hợp cả chiều ngang và chiều dọc là hình thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để hình thành nên các tập đoàn đa ngành. Việc mua bán, sáp nhập theo hình thức này diễn ra giữa các công ty sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khác nhau nhưng có thể bổ trợ cho nhau, có thể cùng kênh phân phối, có thể được tiêu thụ cùng với nhau, … Ví dụ: Central Group mua lại hệ thống Siêu thị Big C.

Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp theo hình thức này giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.

Rủi ro của M&A

Tuy là một hình thức mở rộng hoạt động kinh doanh có nhiều ưu điểm, hoạt động M&A cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro nếu các bên tham gia không có sự chuẩn bị kỹ càng. Các rủi ro chủ yếu của M&A là rủi ro về pháp lý và rủi ro về tài chính.

Rủi ro về pháp lý

– Trong quá trình thương thảo M&A, doanh nghiệp mục tiêu cần phải bộc lộ các thông tin, tài liệu, thậm chí là bí mật kinh doanh để bên mua có cơ sở xác định đúng giá trị doanh nghiệp mua lại. Nếu các doanh nghiệp tham gia M&A là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau trên thị trường và thương vụ M&A thất bại, bên mua có thể nắm được các điểm mạnh, điểm yếu và thông tin nội bộ của doanh nghiệp mục tiêu. Do đó, doanh nghiệp mục tiêu có thể bị mất lợi thế kinh doanh hoặc có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

– Doanh nghiệp mục tiêu có tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái quy định của pháp luật, có khả năng bị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Sau khi hoàn thành thương vụ M&A, bên mua sẽ là bên chịu thiệt hại nếu doanh nghiệp mục tiêu bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt.

Rủi ro về tài chính

– Bên bán thổi phồng giá trị doanh nghiệp. Sau khi nhận bàn giao doanh nghiệp, bên mua phát hiện ra giá trị doanh nghiệp không đúng với các thông tin, tài liệu mà bên bán đã cung cấp.

– Bên mua không đánh giá hết được những hạn chế, rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp mục tiêu. Vì vậy, sau khi thương vụ M&A thành công, bên mua phải kế thừa các nghĩa vụ của doanh nghiệp mục tiêu và có thể phải gánh chịu các thiệt hại do những rủi ro tiềm ẩn này mang lại. Ví dụ: Các tranh chấp về hợp đồng thương mại mà doanh nghiệp mục tiêu đã ký với khách hàng, các nghĩa vụ với người lao động, …

Vì các rủi ro trên, nhằm đảm bảo an toàn cho các bên khi tham gia vào các giao dịch M&A, mỗi bên cần có đội ngũ chuyên gia về pháp lý và chuyên gia về tài chính để đánh giá toàn diện các khía cạnh, đảm bảo giao dịch M&A được diễn ra thuận lợi và thành công.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)