Hotline:
Thời điểm diễn ra cơn sốt đất cũng là lúc các đối tượng thực hiện nhiều hành vi làm giả sổ đỏ để lừa đảo người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Các sổ đỏ giả này được làm tinh vi đến mức độ những người có chuyên môn cũng khó mà phát hiện ra được. Bài viết cung cấp một số thông tin về hành vi làm giả sổ đỏ, làm giả sổ đỏ đi tù bao nhiêu năm?
Tội làm giả sổ đỏ
Sổ đỏ hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là giấy tờ pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất. Làm giả sổ đỏ là hành vi trái pháp luật.
Người có hành vi làm giả sổ đỏ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, nếu người phạm tội làm giả sổ đỏ và dùng sổ đỏ giả đó để đi lừa đảo người khác thì sẽ đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội là Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn làm giả sổ đỏ
Một số thủ đoạn làm giả sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác:
Làm giả sổ đỏ để bán đất
Đối tượng tìm kiếm trên mạng các thông tin về lô đất và chủ đất thông qua mạng xã hội, các website rao bán đất, các trang môi giới bất động sản, … Sau đó, đối tượng liên hệ trực tiếp với chủ đất, giả vờ xin bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xem rồi mang đi làm giả. Các đối tượng sử dụng sổ đỏ giả cùng với các giấy tờ nhân thân giả để thực hiện các giao dịch về đất với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ (nhận đặt cọc, chuyển nhượng bằng giấy tay, cầm cố, thế chấp, …)
Làm giả sổ đỏ để đánh tráo sổ thật
Đối tượng sau khi làm giả sổ đỏ thì dùng thủ đoạn lợi dụng sơ hở của chủ đất để đánh tráo sổ đỏ thật và thực hiện các giao dịch về đất (chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, …). Vì sổ đỏ mà các đối tượng sử dụng là sổ đỏ thật nên các văn phòng công chứng đã thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán và văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thủ tục cập nhật sang tên cho người mua. Khi chủ đất phát hiện ra thì lô đất đã bị chuyển nhượng qua cho nhiều người khác nhau.
Làm giả sổ đỏ để giao cho chủ đất
Thực tế có rất nhiều người sử dụng đất nhưng chưa có sổ đỏ. Vì vậy, họ đã lựa chọn làm sổ đỏ thông qua các đối tượng làm dịch vụ (cò). Một số đối tượng nhận tiền của chủ đất, sau đó làm sổ đỏ giả để giao cho chủ đất và chiếm đoạt số tiền làm dịch vụ.
Sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả
Người nào biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nếu dùng sổ đỏ giả để lừa đảo người khác thì còn phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thực tế hiện nay có rất nhiều đối tượng đặt mua các sổ đỏ giả qua mạng internet. Sau đó, chúng dùng các sổ đỏ giả này để mang đi lừa đảo người khác. Hành vi sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương đương khung hình phạt với hành vi làm giả sổ đỏ.
Làm giả sổ đỏ lừa đảo
Như đã nói ở trên, hành vi làm giả sổ đỏ để mang đi lừa đảo người khác tuy không mới nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì vậy, người dân tuyệt đối không nên up hình sổ đỏ của mình hoặc người thân lên trên mạng xã hội hoặc tùy tiện chụp gửi thông tin sổ đỏ cho người khác.
Khi cần thiết cho người khác xem sổ đỏ thì nên sử dụng bản photo, không nên đưa sổ đỏ bản chính. Khi phát hiện có đối tượng khả nghi và bất thường, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý.
Sổ đỏ giả có công chứng được không?
Sổ đỏ giả ngày nay được làm rất tinh vi, các giấy tờ tùy thân giả kèm theo cũng vậy. Vì vậy, nếu không kiểm tra cẩn thận, công chứng viên rất khó phát hiện ra các giấy tờ này là giả mạo. Nếu công chứng viên vì không phát hiện được các giấy tờ giả mạo nên đã thực hiện thủ tục công chứng cho các đối tượng lừa đảo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có) cho người bị hại.
Làm giả sổ đỏ đi tù bao nhiêu năm?
Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì đối với hành vi làm giả sổ đỏ. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm.
Ngoài ra, nếu người phạm tội làm giả sổ đỏ để đi lừa đảo người khác thì còn phải chịu thêm trách nhiệm hình sự như sau:
– Tài sản bị chiếm đoạt dưới 50 triệu đồng: Có thể bị phạt tù đến 3 năm.
– Tài sản bị chiếm đoạt từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng: Có thể bị phạt tù đến 7 năm
– Tài sản bị chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: Có thể bị phạt tù đến 15 năm.
– Tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên: Có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.