Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức hoà giải

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức hoà giải như thế nào theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019?

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức hoà giải
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức hoà giải 2

Quy định chung về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức hòa giải

Hòa giải là sự tiếp nối của quá trình thương lượng, trong đó các bên cố gắng làm điều hòa những ý kiến bất đồng. Bên thứ ba đóng vai trò trung gian hoàn toàn độc lập với hai bên và hành động một cách vô tư, không thiên vị tìm cách đưa các bên tranh chấp tới những điểm mà họ có thể thỏa thuận với nhau. Hòa giải được quy định trong nhiều văn bản của Tổ chức quốc tế (International Labor Organization – ILO như Khuyến nghị số 92 (29/06/1951) về hòa giải và trọng tài tự nguyện; Công ước 154 về xúc tiến thương lương tập thể (19/6/1981); Khuyến nghị số 81 (19/6/1947) về Thanh tra lao động…[1]

Các trường hợp tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019 thì TCLĐ cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của HGVLĐ trước khi yêu cầu HĐTTLĐ hoặc Tòa án giải quyết. Như vậy, thủ tục hoà giải của HGVLĐ được xem là thủ tục tiền tố tụng.

Tuy nhiên, có 06 trường hợp TCLĐ cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Như vậy, ngoài 06 trường hợp TCLĐ cá nhân nêu trên thì tất cả các TCLĐ cá nhân còn lại đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của HGVLĐ.

Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua thủ tục hòa giải

Theo quy định tại khoản 1 Điều 190 BLLĐ năm 2019 thì thời hiệu yêu cầu HGVLĐ thực hiện hoà giải TCLĐ cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Quy định về Hòa giải viên lao động

Theo quy định tại Điều 187 BLLĐ năm 2019 thì HGVLĐ là một trong những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân.

Theo các quy định từ Điều 92 đến Điều 97 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì HGVLĐ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và miễn nhiệm. Thời hạn bổ nhiệm HGVLĐ tối đa không quá 05 năm.

Các tiêu chuẩn của HGVLĐ bao gồm:

– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt.

– Có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.

– Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Trên thế giới có nhiều quốc gia quy định thẩm quyền bổ nhiệm HGVLĐ thuộc về những người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Ví dụ: Ở Đan Mạch, hòa giải viên được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Lao động thông qua sự giới thiệu của Tòa án lao động; ở Indonesia, hòa giải viên ghi danh tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động được Bộ trưởng Bộ lao động trao bằng chứng nhận hợp pháp. [2]

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động

Bước 1: Người yêu cầu gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đến Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH hoặc gửi trực tiếp cho Hòa giải viên.

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đơn của người yêu cầu hoặc trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn từ hoà giải viên lao động, Sở LĐ-TB&XH hoặc Phòng LĐ-TB&XH ra văn bản cử HGVLĐ giải quyết tranh chấp.

Bước 3: HGVLĐ mở phiên họp hoà giải, có sự tham gia của các bên tranh chấp.

– Trường hợp các bên tranh chấp thoả thuận được, hoặc các bên tranh chấp chấp nhận phương án hoà giải do HGVLĐ đưa ra thì Hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành, có chữ ký của các bên tranh chấp và Hòa giải viên.

– Trường hợp các bên tranh chấp không thoả thuận được và cũng không chấp nhận phương án hòa giải do HGVLĐ đưa ra, hoặc các bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì HGVLĐ lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hoà giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và HGVLĐ.

HGVLĐ phải kết thúc việc hòa giải trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ bên yêu cầu hoặc từ ngày nhận được quyết định phân công của Sở LĐ-TB&XH hoặc Phòng LĐ-TB&XH.

Trường hợp hết thời hạn hòa giải nêu trên mà HGVLĐ không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong hai phương thức để giải quyết tranh chấp là giải quyết tranh chấp thông qua HĐTTLD hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.

Hiệu lực của biên bản hòa giải thành

Biên bản hòa giải thành không có tính bắt buộc cưỡng chế thi hành mà sẽ phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên. Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thành thì bên còn lại có quyền yêu cầu HĐTTLĐ hoặc TAND giải quyết.

Ưu điểm và nhược điểm của phương thức hòa giải

Hòa giải trong giải quyết TCLĐ cá nhân có ưu điểm nổi bật như sau:

Một là, biện pháp hòa giải phù hợp với tính chất của quan hệ lao động cá nhân. Các TCLĐ cá nhân liên quan đến quyền, lợi ích của từng cá nhân người lao động với giá trị tranh chấp không quá lớn với mâu thuẫn, xung đột không quyết liệt như tranh chấp thương mại, dân sự, … nên hòa giải với thủ tục nhanh gọn, thân thiện là phù hợp với tính chất của quan hệ này.

Hai là, biện pháp hòa giải giúp giải quyết hiệu quả, triệt để các TCLĐ cá nhân. Nếu giải quyết TCLĐ cá nhân bằng hòa giải thì các bên tranh chấp sẽ tiếp tục được quan hệ lao động với sự ổn định, đồng thuận, gắn kết. Hòa giải là bắt buộc đối với TCLĐ cá nhân (trừ những tranh chấp không bắt buộc phải hòa giải), nên nếu giải quyết được ngay xung đột thì sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của các bên. Trường hợp không được hòa giải hoặc hòa giải không thành và các bên tranh chấp lại tiếp tục lựa chọn trọng tài lao động hoặc TAND thì các tình tiết, vấn đề tranh chấp cũng đã được làm rõ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐTTLĐ hoặc TAND.

Tuy nhiên, hòa giải thông qua HGVLĐ có một nhược điểm lớn, đó là biên bản hòa giải thành không có hiệu lực cưỡng chế thi hành. Vì vậy, nếu một trong hai bên tranh chấp không thiện chí thực hiện theo các nội dung đã được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành thì bên còn lại phải tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp thông qua HĐTTLĐ hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.


[1] Khúc Thị Phương Nhung, Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức hòa giải – một số tồn tại và giải pháp khắc phục, Tạp chí Khoa học Kiểm sát số 05/2020, trang 46.

[2] https://danchuphapluat.vn/hoa-giai-tranh-chap-lao-dong-theo-bo-luat-lao-dong-nam-2019, truy cập ngày 16/05/2024.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)