Đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid như thế nào cho đúng?

Đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid là thủ tục đơn giản và thuận tiện trong trường hợp chủ sở hữu muốn đăng ký nhãn hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chủ sở hữu nên đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid như thế nào cho đúng?

hệ thống madrid
Đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid như thế nào cho đúng? 3

Cách thức đăng ký nhãn hiệu quốc tế

Việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế được thực hiện theo một trong hai phương án sau đây:

1/ Nộp đơn đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia muốn được bảo hộ nhãn hiệu

Về cơ bản, khi nhãn hiệu muốn được bảo hộ tại quốc gia nào thì chủ nhãn hiệu tiến hành nộp đơn đăng ký theo thủ tục do pháp luật của quốc gia đó quy định, bao gồm: thành phần hồ sơ, biểu mẫu đơn, ngôn ngữ trình bày trong đơn, thủ tục và thời gian xử lý đơn, phí và lệ phí, …

2/ Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid

Hệ thống Madrid là Hệ thống đăng ký nhãn hiệu được xây dựng dựa trên Thoả ước Madrid và Nghị định thư Madrid, nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu giữa các quốc gia là thành viên của Thoả ước và Nghị định thư.

Đăng ký nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid

Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế chỉ có thể được nộp bởi một cá nhân hoặc một pháp nhân có cơ sở kinh doanh hoặc có nơi cư trú hoặc là công dân của một nước, tổ chức, vùng lãnh thổ tham gia Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid.

Một nhãn hiệu sẽ được nộp đơn đăng ký quốc tế nếu nhãn hiệu đó đã được đăng ký hoặc đã được nộp đơn đăng ký tại quốc gia xuất xứ (nếu đơn quốc tế chỉ chịu sự điều chỉnh của Nghị định thư Madrid).

Một đơn quốc tế phải chỉ định một hoặc nhiều quốc gia nơi nhãn hiệu cần được bảo hộ. Chủ nhãn hiệu có thể chỉ định bổ sung các quốc gia khác sau khi đã nộp đơn đăng ký. Một quốc gia chỉ có thể được chỉ định khi quốc gia đó và quốc gia xuất xứ đều tham gia cùng một điều ước, tức là Thoả ước Madrid hoặc Nghị định thư Madrid.

Các loại đơn Madrid

Có 03 loại đơn quốc tế:

– Đơn quốc tế chỉ chịu sự điều chỉnh của Thoả ước Madrid được làm bằng tiếng Pháp,.

– Đơn quốc tế chỉ chịu sự điều chỉnh của Nghị định thư Madrid được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

– Đơn quốc tế chịu sự điều chỉnh của cả Thoả ước Madrid và Nghị định thư Madrid được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Nộp đơn đăng ký quốc tế

Đơn quốc tế phải được nộp cho Văn phòng quốc tế  của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua cơ quan nhãn hiệu của nước xuất xứ. Đơn phải có mẫu nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu trong đăng ký cơ sở hoặc đơn cơ sở và danh mục những hàng hoá, dịch vụ cần được bảo hộ.

Đơn quốc tế có thể yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris trên cơ sở đơn nộp cho cơ quan nhãn hiệu của quốc gia xuất xứ hoặc cũng có thể trên cơ sở đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trước đó cho một quốc gia khác, không nhất thiết phải là quốc gia thành viên của Hệ thống Madrid.

Thẩm định đơn đăng ký quốc tế

Văn phòng quốc tế sẽ kiểm tra tính hợp lệ của đơn quốc tế và việc nộp phí, lệ phí đăng ký theo quy định. Trường hợp đơn quốc tế có sai sót, Văn phòng quốc tế sẽ thông báo cho người nộp đơn để sửa chữa trong vòng 03 tháng, nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót trong thời hạn yêu cầu thì đơn sẽ bị coi là được rút bỏ. Nếu đơn quốc tế đáp ứng các yêu cầu theo quy định, nhãn hiệu sẽ được ghi nhận vào Đăng bạ quốc tế và được công bố trên Công báo. Sau đó, Văn phòng quốc tế sẽ thông báo cho các quốc gia được yêu cầu bảo hộ.

Các quốc gia được chỉ định có quyền từ chối bảo hộ nhãn hiệu trong đơn quốc tế. Thời hạn dành cho mỗi quốc gia để thông báo từ chối thông thường là 12 tháng, riêng theo Nghị định thư Madrid, các quốc gia có thể tuyên bố rằng thời hạn cho quốc gia ra thông báo từ chối là 18 tháng hoặc dài hơn nếu việc từ chối dựa trên cơ sở đơn bị phản đối.

Bất cứ sự từ chối bảo hộ nào đều phải được cơ quan nhãn hiệu của quốc gia đó thông báo cho Văn phòng quốc tế. Việc từ chối được ghi nhận vào Đăng bạ quốc tế, được công bố trên Công báo và gửi cho chủ nhãn hiệu. Các thủ tục khiếu nại sau đó được tiến hành trực tiếp giữa chủ nhãn hiệu và quốc gia từ chối bảo hộ. Quốc gia bị khiếu nại phải thông báo cho Văn phòng quốc tế quyết định cuối cùng về việc giải quyết khiếu nại đó.

đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid
Đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid như thế nào cho đúng? 4

Hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid

Nhãn hiệu đăng ký quốc tế có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Chủ nhãn hiệu có thể gia hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

Kể từ ngày đăng ký quốc tế, việc bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia được chỉ định sẽ giống như trường hợp nhãn hiệu đó được nộp đơn đăng ký trực tiếp cho Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia đó. Nếu quốc gia được chỉ định không có thông báo từ chối gửi cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn quy định thì xem như quốc gia đó đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Chủ nhãn hiệu có thể mở rộng hiệu lực của đăng ký quốc tế tới một quốc gia không được chỉ định trong đơn quốc tế bằng cách nộp đơn chỉ định sau thời điểm nộp đơn quốc tế.

Chi phí đăng ký nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid

Phí đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thông Madrid bao gồm “phí cơ bản”, trường hợp người nộp đơn nhãn hiệu có quốc gia xuất xứ là nước kém phát triển (theo danh sách do Liên Hợp Quốc công bố) thì được giảm 10% mức quy định. Ngoài ra, chủ nhãn hiệu còn phải chịu một khoản “phí bổ sung” cho mỗi hàng hóa, dịch vụ ngoài ba nhóm đầu tiên và một khoản “phí bù” cho mỗi quốc gia được chỉ định. Tuy nhiên, một quốc gia thuộc Hệ thống Madrid có thể tuyên bố rằng: khi được chỉ định theo Nghị định thư, khoản phí bù được thay thế bằng một khoản phí riêng lẻ, số tiền này do quốc gia được chỉ định quy định nhưng không được cao hơn số tiền sẽ phải trả cho việc đăng ký nhãn hiệu ở quốc gia đó.

Chủ nhãn hiệu có thể tra cứu chi phí đăng ký nhãn hiệu quốc tế bằng công cụ tính phí trực tuyến do WIPO cung cấp tại: http://www.wipo.int/madrid/en/fees/calculator.jsp

Phí đăng ký nhãn hiệu quốc tế có thể được nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế hoặc nộp thông qua cơ quan nhãn hiệu của nước xuất xứ. Để tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế khả năng nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ tại nước ngoài, quý Khách hàng nên liên hệ Luật sư để được tư vấn cụ thể hơn.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)