Hotline:
Môi giới hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Tội môi giới hối lộ bị xử phạt như thế nào?
Môi giới hối lộ là gì?
Môi giới hối lộ là hành vi trung gian tạo điều kiện kết nối để người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ.
Ví dụ tội môi giới hối lộ
– Trong đại án “Chuyến bay giải cứu”, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có hành vi làm trung gian liên lạc giữa Nguyễn Thị Thanh Hằng (BlueSky) và Hoàng Văn Hưng (Điều tra viên) để xin chạy án cho Hằng nên bị xét xử và kết án về tội môi giới hối lộ.
– Ông A xây dựng nhà trái phép trên mảnh đất có diện tích 100 m2. Do lo sợ bị cơ quan Nhà nước cưỡng chế tháo dỡ và biết ông B là người quen của cán bộ xã nên A liên hệ nhờ B lo lót để nhà mình không bị tháo dỡ. Ông B đã làm trung gian để ông A gặp cán bộ xã đưa hối lộ. Sau khi bị phát hiện, ông B bị xét xử về tội môi giới hối lộ, ông A phạm tội đưa hối lộ và người cán bộ xã phạm tội nhận hối lộ.
Dấu hiệu định tội của tội môi giới hối lộ? Bình luận tội môi giới hối lộ
1/ Về mặt chủ thể:
Người phạm tội môi giới hối lộ không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn. Họ chỉ sử dụng mối quan hệ cá nhân để làm trung gian cho người có chức vụ quyền hạn và người đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người môi giới hối lộ là người có chức vụ quyền hạn và họ lợi dụng mối quan hệ công tác của mình để liên hệ với người có chức vụ, quyền hạn xử lý vụ việc cho người đưa hối lộ.
Người phạm tội môi giới hối lộ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
2/ Về mặt khách thể
Khách thể của tội môi giới hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Hành vi phạm tội gây mất lòng tin của người dân vào cơ quan, tổ chức.
3/ Về mặt khách quan
Hành vi của tội môi giới hối lộ là làm trung gian giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Hành vi làm trung gian có thể được thể hiện qua các biểu hiện sau:
– Gặp bên nhận hối lộ để thăm dò thái độ, gợi ý việc đưa hối lộ để giúp đỡ cho bên đưa hối lộ.
– Nhận lời, hứa hẹn với bên đưa hối lộ sẽ tìm gặp và đưa ra các yêu cầu của bên đưa hối lộ.
– Thu xếp thời gian, địa điểm để bên đưa hối lộ và bên nhận hối lộ trực tiếp gặp nhau.
– Tham gia vào việc làm trung gian gửi các lợi ích vật chất của bên đưa hối lộ cho bên nhận hối lộ.
Tài sản dùng vào việc đưa hối lộ phải từ 02 triệu đồng trở lên. Nếu của hối lộ là lợi ích phi vật chất thì không cần xét đến yếu tố giá trị.
4/ Về mặt chủ quan
Người phạm tội môi giới hối lộ thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người môi giới hối lộ nhận thức được hành vi của mình, thấy trước được hậu quả và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Tội môi giới hối lộ Bộ luật Hình sự 2015
Theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người môi giới hối lộ sẽ bị phạt tiền đến dưới 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt đến 03 năm tù nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Môi giới hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
– Môi giới hối lộ bằng lợi ích phi vật chất (không cần xác định giá trị).
Người phạm tội môi giới hối lộ có thể bị phạt đến 07 năm tù nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Hành vi môi giới hối lộ thuộc trường hợp có tổ chức.
– Hành vi môi giới hối lộ có tính chất chuyên nghiệp.
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt để môi giới hối lộ.
– Môi giới hối lộ khi biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi môi giới hối lộ.
– Môi giới hối lộ từ 02 lần trở lên.
– Thực hiện hành vi môi giới hối lộ mà tài sản dùng để hối lộ trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Người phạm tội môi giới hối lộ có thể bị phạt đến 10 năm tù nếu tài sản dùng để hối lộ trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng.
Người phạm tội môi giới hối lộ có thể bị phạt đến 15 năm tù nếu tài sản dùng để hối lộ trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội môi giới hối lộ còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 200 triệu đồng.
Người có hành vi môi giới hối lộ nhưng ăn năn hối cải, chủ động khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi bị phát giác thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Tội môi giới hối lộ không chỉ áp dụng để xử lý hành vi vi phạm trong các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước mà còn áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong các doanh nghiệp, tổ chức ở môi trường tư nhân.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.