Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như thế nào theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 3

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự thì lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong các hành vi sau:

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó.

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Ví dụ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Các ví dụ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

– Bà A là chủ hụi, sau khi gom tiền hụi đã bỏ trốn khỏi địa phương, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người chơi hụi.

– Ông B vay tiền ngân hàng với mục đích để bổ sung vốn kinh doanh mặt hàng nước giải khát. Tuy nhiên, sau khi được ngân hàng giải ngân, ông lại sử dụng số tiền này để đi đánh bạc dẫn đến thua hết tiền, không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng.

– Bà C vay tiền của bà D nhưng không có khả năng chi trả. Do bà D liên tục thúc giục đòi tiền nên bà C làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi đưa cho bà D để gán nợ.

Xem thêm: Các vụ án tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Những bằng chứng tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Những bằng chứng tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm:

– Hợp đồng, giấy tờ, văn bản giao dịch giữa người bị hại và người phạm tội.

– Giấy tờ chuyển tiền, biên nhận tiền mặt, giấy nhận nợ, …

– Văn bản xác minh công an về việc người phạm tội đã bỏ trốn khỏi địa phương (nếu có)

– Văn bản xác minh tài sản của người phạm tội tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, xe, …)

– Giấy tờ giả, thông tin giả hoặc thủ đoạn gian dối mà người phạm tội đã sử dụng để lấy lòng tin của người bị hại.

Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm các yếu tố sau đây:

Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 4
Chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Chủ thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này do Điều 175 không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự.

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau (tiền, kim loại quý, …).

Mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1/ Về hành vi:

Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm các đặc điểm sau:

– Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng, giao dịch hợp pháp, thường là vay mượn tài sản.

– Sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để lấy lòng tin của chủ tài sản, nhằm mục đích chiếm đoạt luôn tài sản đó.

– Sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp, người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà bỏ trốn để không phải trả lại tài sản đó.

– Sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp, người phạm tội mặc dù có khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả.

– Sau khi nhận được tài sản một cách hợp pháp, người phạm tội đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp nên dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Trường hợp này cần phân biệt: Nếu một người sử dụng tài sản vào mục đích khác mục đích thoả thuận trong hợp đồng vay mượn, nhưng mục đích đó không phải là hành vi bất hợp pháp thì họ không phạm tội này. Nếu một người sử dụng tài sản vay mượn vào mục đích bất hợp pháp, tuy nhiên họ vẫn trả lại được tiền thì họ không phạm tội này mà có thể phạm tội khác tương ứng với hành vi bất hợp pháp mà họ đã thực hiện.

2/ Về hậu quả:

Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đối tượng tác động là tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên. Giá trị tài sản được xác định theo kết quả định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng.

– Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 4 triệu đồng nhưng người phạm tội đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản.

– Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 4 triệu đồng nhưng người phạm tội đã từng bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

– Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Trường hợp này không phân biệt giá trị tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu.

Mặt chủ quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt được tài sản của bị hại.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (2 bình chọn)