Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do người đó sáng tạo ra. Tuy nhiên, không phải mọi tác phẩm đều được bảo hộ quyền tác giả. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc biết được các loại hình tác phẩm được và không được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả 1
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do người đó sáng tạo ra

Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học

Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, có 12 loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được bảo hộ quyền tác giả, cụ thể như sau:

Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác

– Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thuộc loại này bao gồm các tác phẩm văn học (bài văn, thơ), tác phẩm khoa học (nhiều lĩnh vực), sách giáo khoa các khối lớp, giáo trình đại học và sau đại học.

– Các tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác được hiểu là các tác phẩm bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký hoặc các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác

– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác được hiểu là các tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

– Trường hợp tác giả tự định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói dưới hình thức bản ghi âm hoặc ghi hình thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói và đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi đó.

Tác phẩm báo chí

Tác phẩm báo chí là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm: Phóng sự, tường thuật, phỏng vấn, ghi nhanh, phản ánh, điều tra, xã luận, chuyên luận, bình luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên các báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

Tác phẩm âm nhạc

Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng các nốt nhạc trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, bản ghi hình có lời hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc có trình diễn hay không.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả 3
Tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
Tác phẩm sân khấu

Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Cải lương, chèo, tuồng, kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, múa rối, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự

Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là các tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh động, có thể được kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và những phương tiện khác theo các nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.

Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh sẽ được xem là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.

Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng

– Tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc như: Hội họa, điêu khắc, đồ họa, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự khác, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50 và được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp như: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, tạo dáng sản phẩm và trang trí.

Tác phẩm nhiếp ảnh

Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hoặc có thể được tạo ra bằng các phương pháp điện tử, hóa học hoặc các phương pháp kỹ thuật khác.

Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có hoặc không có chú thích.

Tác phẩm kiến trúc

Tác phẩm kiến trúc là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm: Bản vẽ thiết kế kiến trúc công trình, tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh và công trình kiến trúc đó.

Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học và kiến trúc

Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ được bảo hộ quyền tác giả được hiểu là các họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học và kiến trúc.

Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể dựa trên nền tảng truyền thống của các nhân hoặc một nhóm người nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện đặc điểm về văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác.

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm: Truyện, thơ, câu đố, điệu hát, làn điệu âm nhạc (chèo, tuồng, cải lương, múa rối, …), điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi dân gian, hội làng, sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới các hình thức vật chất khác nhau.

– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là loại hình nghệ thuật ngôn từ.

Chương trình máy tính, bộ sưu tập dữ liệu

– Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các mã, các lệnh, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả nhất định, cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như các tác phẩm văn học, dù chúng được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

– Bộ sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo của việc tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc các dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với bộ sưu tập dữ liệu không bao hàm việc bảo hộ chính các tư liệu đó và không gây phương hại đến quyền tác giả của các tư liệu đó.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả 5
Tranh vẽ là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Tác phẩm phái sinh từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học

Tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả nếu không xâm phạm đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Tác phẩm phái sinh thường được thể hiện dưới các dạng sau đây:

– Tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác

– Tác phẩm phóng tác từ tác phẩm khác

– Tác phẩm cải biên

– Tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu, điện ảnh hoặc từ tác phẩm sân khấu thành tác phẩm điện ảnh và ngược lại.

– Tác phẩm biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả

1/ Tin tức thời sự đưa tin thuần tuý là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin chứ không có tính sáng tạo.

2/ Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính (văn bản của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân) và các văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp; bản dịch chính thức của các văn bản đó.

3/ Hệ thống, quy trình, phương pháp hoạt động, khái niệm, số liệu, nguyên lý.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3