Bình luận tội làm nhục người khác

Bình luận tội làm nhục người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội làm nhục người khác phải chịu hình phạt gì?

Bình luận tội làm nhục người khác
Bình luận tội làm nhục người khác 2

Tội làm nhục người khác là gì?

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Như vậy, tội làm nhục người khác có thể hiểu là hành vi của một người nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác một cách công khai hoặc trước nhiều người, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự và uy tín của người bị hại. Hành vi này không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân và xã hội của nạn nhân.

Bình luận tội làm nhục người khác

Mặt khách quan của tội làm nhục người khác

  • Hành vi khách quan của tội làm nhục người khác: Người phạm tội phải có hành vi thể hiện dưới dạng hành động, bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác như: lăng mạ, chửi bới, lột quần áo của người khác giữa đường và quay video đăng tải lên mạng xã hội, …. Hành vi của người phạm tội phải được thực hiện một cách công khai cho nhiều người biết, với mục đích là làm nhục người bị hại trước đám đông. Hành vi của người phạm tội có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua mạng xã hội.
  • Nhằm mục đích làm nhục người bị hại, người phạm tội có thể sử dụng vũ lực đối với người bị hại như bắt trói, khống chế, đe doạ, … nhưng mục đích của người phạm tội chỉ là nhằm làm nhục người bị hại mà không có mục đích chiếm đoạt tài sản, gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng của người bị hại.
  • Mục đích của người phạm tội là mong muốn người bị hại bị nhục trước đám đông.
  • Động cơ phạm tội: Có nhiều động cơ phạm tội khác nhau như nhằm trả thù, vì ghét bị hại, để dằn mặt, để đe doạ, …
  • Hậu quả: Người bị hại phải bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm một cách nghiêm trọng. Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn mức độ như thế nào thì được xem là nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế phải xét từng trường hợp và tuỳ thuộc vào đặc điểm tâm lý, nhận thức của từng người phạm tội và người bị hại. Việc xác định mức độ nghiêm trọng có thể căn cứ vào: trình độ nhận thức, địa vị xã hội, mối quan hệ gia đình, mối quan hệ xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống gia đình của người bị hại, …

Mặt chủ quan của tội làm nhục người khác

Người thực hiện hành vi làm nhục người khác với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình sẽ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại nhưng mong muốn hậu quả xảy ra.

Chủ thể của tội làm nhục người khác

Chủ thể của tội làm nhục người khác phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này.

Khách thể của tội làm nhục người khác

Khách thể của tội làm nhục người khác là danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người, được pháp luật bảo vệ.

Tội làm nhục người khác phải chịu hình phạt gì?

Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự, gồm 03 khung hình phạt chính:

Người phạm tội làm nhục người khác thuộc cấu thành cơ bản thì có thể bị cảnh cáo, bị phạt tiền đến 30 triệu đồng hoặc có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội làm nhục người khác trong các trường hợp sau thì có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

  • Làm nhục người khác từ 02 lần trở lên, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và chưa bị xử lý.
  • Làm nhục từ 02 người trở lên.
  • Lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm nhục người khác
  • Làm nhục người đang thi hành công vụ
  • Người bị hại là người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc hoặc chữa bệnh cho người phạm tội
  • Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để làm nhục người khác
  • Làm nhục người khác mà làm cho nạn nhân bị rối loạn về tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Người phạm tội làm nhục người khác trong các trường hợp dưới đây thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  • Làm nhục người khác mà làm cho nạn nhân bị rối loạn về tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
  • Làm nhục người khác dẫn đến người đó tự sát.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội làm nhục người khác còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3