Hotline:
Bình luận tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là gì?
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt giữ người làm con tin để uy hiếp buộc người có liên quan với họ giao tiền hoặc tài sản để chuộc lại người. Hành vi bắt cóc có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có phải là tội ghép?
Tội ghép là một thuật ngữ không chính thức, dùng để chỉ một tội danh được cấu thành từ nhiều hành vi và xâm phạm nhiều khách thể khác nhau.
Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi của người phạm tội cùng lúc xâm phạm quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu tài sản. Cụ thể, người bị bắt cóc là người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và người thân của người bị bắt cóc là người bị xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Trong một vụ án về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể có nhiều bị hại, có bị hại bị xâm phạm về nhân thân, có bị hại bị xâm phạm về tài sản, cũng có thể có bị hại vừa bị xâm phạm quan hệ nhân thân vừa bị xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản.
Vì vậy, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể được xem là tội ghép.
Điều 169 Bộ luật Hình sự
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Hành vi khách quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1/ Đặc trưng của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt cóc.
– Bắt cóc là bắt giữ người trái pháp luật, trái với ý muốn của người bị bắt cóc.
– Hành vi bắt cóc có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, lừa dối, dùng thuốc mê, … để bắt giữ người khác.
– Người bị bắt cóc thường là người thân của người có tài sản hoặc đôi khi là chính bản thân người có tài sản.
2/ Hành vi đặc trưng thứ hai của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe doạ để người khác giao nộp tiền bạc hoặc tài sản theo yêu cầu của người phạm tội.
– Người phạm tội thường đe doạ sẽ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con tin để buộc người thân của họ phải giao nộp tiền bạc, tài sản.
– Hành vi đe doạ có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp như: gửi video quay cảnh con tin đang bị bắt giữ, gọi điện thoại tống tiền, nhắn tin, gửi hình ảnh, …
– Cùng với việc đe doạ, người phạm tội thường thực hiện hành vi đánh đập, đe doạ dùng vũ lực hoặc hành vi khác nhằm đe doạ người bị bắt cóc và người thân của họ phải giao tiền, tài sản cho người phạm tội.
– Các hành vi xâm phạm đến con tin, nếu đủ yếu tố cấu thành một tội khác thì người phạm tội sẽ đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.
Hậu quả của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức. Người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi bắt cóc với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành. Việc người phạm tội đã thực tế chiếm đoạt được tài sản hay chưa không phải là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội này.
Mặt chủ quan của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý.
Mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là dấu hiệu bắt buộc của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản có thể có trước khi, trong khi hoặc sau khi thực hiện hành vi bắt cóc.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]