Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những gì? Giới hạn của quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam.

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những gì
Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp 2

Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Theo khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

Sáng chế

Là các giải pháp kỹ thuật được thể hiện dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, ứng dụng các quy luật tự nhiên để giải quyết một vấn đề cụ thể. Để được bảo hộ, sáng chế phải có tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp

Là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này. Để được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ nếu có tính nguyên gốc và có tính mới thương mại.

Bí mật kinh doanh

Là các thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, không phải là hiểu biết thông thường và không dễ gì có được, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để mang lại lợi thế cho chủ sở hữu so với các đối thủ cạnh tranh khác. Bí mật kinh doanh được bảo hộ tự động và không qua thủ tục đăng ký.

Nhãn hiệu

Là dấu hiệu nhìn thấy được hoặc dấu hiệu âm thanh, dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với các tổ chức, cá nhân khác.

Tên thương mại

Là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng khu vực và lĩnh vực kinh doanh.

Chỉ dẫn địa lý

Là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ. Sản phẩm có chất lượng, danh tiếng chủ yếu do điều kiện tự nhiên của địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ đó mang lại.

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh

Là quyền được xác lập trên cơ sở cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp

Chủ sở hữu các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bị hạn chế quyền của mình trong các trường hợp sau:

1/ Quyền của người sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

Nếu trước ngày chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp nộp đơn đăng ký mà đã có người sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp giống với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng do người đó sáng tạo ra một cách độc lập thì sau khi chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ, người đã sử dụng trước vẫn có quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đó trong phạm vi đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không cần sự đồng ý và không phải trả phí cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ.

Người có quyền sử dụng trước không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác (ngoại trừ trường hợp chuyển giao cùng với cơ sở sản xuất, kinh doanh) và không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng.

2/ Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả đã tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó. Mức thù lao do hai bên thỏa thuận nhưng tối thiểu là 10% lợi nhuận do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí hoặc 15% tổng số tiền nhận được khi chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó cho chủ thể khác.

3/ Nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu

Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sử dụng sáng chế để đáp ứng các nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng chống bệnh tật hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Nếu chủ sở hữu sáng chế không sử dụng sáng chế trong các trường hợp trên thì Nhà nước có quyền chuyển giao sáng chế đó cho chủ thể khác sử dụng mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế.

Chủ sở hữu nhãn hiệu phải sử dụng liên tục nhãn hiệu của mình. Nếu nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì chủ thể khác có quyền nộp đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó.

4/ Nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc

Chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản cho mình trong trường hợp sáng chế phụ thuộc là một bước tiến lớn về kỹ thuật và có giá trị kinh tế cao. Giá cả và điều kiện chuyển giao do hai bên thỏa thuận.

5/ Chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Chủ sở hữu sáng chế phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho chủ thể khác theo quyết định của Nhà nước trong các trường hợp sau:

– Việc sử dụng sáng chế cho mục đích công cộng, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng hoặc đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội.

– Chủ sở hữu không sử dụng sáng chế sau 04 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký và sau 03 năm kể từ ngày được cấp Bằng độc quyền sáng chế.

– Chủ sở hữu thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)