Quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo

Quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo được quy định như thế nào?

Quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo
Quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo 3

Đặt vấn đề quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo

Quyền tác giả bảo hộ các sản phẩm trí tuệ của con người dưới dạng các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đem lại sự hỗ trợ đáng kể và tạo ra những bước tiến vượt bậc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Một trong những ứng dụng nổi bật của AI là khả năng tạo ra các tác phẩm như văn học, âm nhạc, hội hoạ và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Sự phát triển này đặt ra các vấn đề mang tính thách thức cho hệ thống pháp luật trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Trong phạm vi bài viết này, nhóm học viên sẽ đi sâu vào phân tích pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về hai vấn đề pháp lý chủ yếu bao gồm:

(i) Các tác phẩm do AI tạo ra có đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả hay không?

(ii) Ai là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra?

Đặc điểm tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo

Về tính nguyên gốc

Dựa trên công nghệ máy học, AI tổng hợp các kiến thức đầu vào, thường là những tác phẩm, thông tin, tri thức sẵn có trên các nền tảng trực tuyến, sau đó tiến hành “tạo nên” tác phẩm của mình. Các tác phẩm của AI có thể là một bài văn, một bức ảnh hoặc một đoạn nhạc, trong đó có những tác phẩm được đánh giá là mang giá trị tinh thần và thương mại cao. Dưới đây là một số ví dụ về các tác phẩm nổi bật do AI tạo ra.

  • Tác phẩm hội hoạ “Portrait of Edmond de Belamy”: Tác phẩm này được tạo ra vào năm 2018 bởi một thuật toán AI của nhóm Obvious Art Collective, đã được bán đấu giá tại Christie’s với giá là 432.500 Đô la Mỹ, vượt xa mức dự đoán ban đầu. Tác phẩm này được tạo ra bằng cách sử dụng thuật toán GAN (Generative Adversarial Network) và được đánh giá cao về tính sáng tạo và độc đáo. [1]
  • Bài hát “Daddy’s Car”: Đây là một bài hát được sáng tác hoàn toàn bởi AI của Sony CSL Research Laboratory. AI này đã học từ hàng nghìn bài hát nổi tiếng và tạo ra một tác phẩm mới mang đậm phong cách của The Beatles.[2] Bài hát này đã nhận được nhiều lời khen ngợi về giai điệu và sự sáng tạo.
  • Tiểu thuyết “1 the Road”: Đây là một tiểu thuyết do AI tạo ra, lấy cảm hứng từ tác phẩm “On the Road” của Jack Kerouac. Cuốn sách này được viết bởi một AI được lập trình để mô phỏng phong cách viết tự do và phóng khoáng của Kerouac[3]. Mặc dù không được coi là một kiệt tác văn học nhưng “1 the Road” đã gây chú ý và mở ra cuộc thảo luận về khả năng sáng tạo văn học của AI.

Các ví dụ nêu trên minh chứng cho khả năng sáng tạo ngày càng mạnh mẽ của AI trong khả năng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Tuy nhiên, các tác phẩm này do AI tạo ra trên cơ sở sử dụng dữ liệu, thông tin từ những tác phẩm sẵn có của con người. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính nguyên gốc của tác phẩm do AI tạo ra và mối lo ngại về việc các tác phẩm do AI tạo ra có khả năng xâm phạm đến quyền tác giả của các tác phẩm do con người sáng tạo ra.

Về hình thức thể hiện

Hiện nay, các tác phẩm do AI tạo ra đa dạng về loại hình tác phẩm và hình thức thể hiện. Sự đa dạng thể hiện ở việc AI có thể tạo ra các tác phẩm từ hội hoạ, âm nhạc, văn học, kiến trúc với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Các tác phẩm của AI có thể được thể hiện dưới dạng chữ viết, hình ảnh, màu sắc, âm thanh hoặc sự kết hợp các yếu tố trên lại với nhau.

Pháp luật Việt Nam về quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo
Quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo 4

Pháp luật Việt Nam về quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019, 2022 (Sau đây gọi chung là “Luật Sở hữu trí tuệ”) thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Như vậy, căn cứ vào khái niệm quyền tác giả được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thì pháp luật chỉ bảo hộ quyền tác giả của hai nhóm chủ thể gồm: (i) tác giả có quyền tác giả với tác phẩm do chính mình tạo ra và (ii) chủ sở hữu có quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình. Cả hai nhóm chủ thể này đều phải là con người tự nhiên. Như vậy, có thể thấy, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện hành không bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm được tạo ra bởi AI vì bản thân AI là một loại công nghệ do con người tạo ra, không phải là con người tự nhiên theo định nghĩa về quyền tác giả. Vì AI do con người tạo ra nên AI không có sự độc lập tuyệt đối với con người mà vẫn phụ thuộc vào sự vận hành của con người. AI vận hành dựa trên tri thức sẵn có của nhân loại và các thuật toán do con người phát minh, nên đây có thể coi là một loại công cụ hỗ trợ mà không phải là một chủ thể riêng biệt.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Như đã trình bày ở phần trên, tính độc lập trong việc sáng tạo ra tác phẩm của AI hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, khi đầu vào của AI là các tri thức, tác phẩm, thông tin của con người đã được tạo ra trước đó, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do đó, AI thường được xem như một bản sao hoặc một bản tổng hợp của các tác phẩm có sẵn thay vì là một tác phẩm nguyên gốc mang dấu ấn riêng biệt của chủ thể sáng tác ra nó.

Như vậy có thể thấy, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện hành không bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra.

Kiến nghị về quyền tác giả đối với tác phẩm hình thành bởi trí tuệ nhân tạo

Vì pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành chưa quy định về việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra, khung pháp lý chưa hoàn thiện sẽ là một trở ngại lớn cho quá trình ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, nhóm học viên có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng các tiêu chí để một tác phẩm do AI tạo ra được bảo hộ quyền tác giả vì đây là xu hướng phát triển trong tương lai. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mức độ sáng tạo của AI sẽ tăng dần và đến một giai đoạn nhất định, các tác phẩm do AI tạo ra sẽ có tính nguyên gốc và sự sáng tạo đáng kể so với các dữ liệu, thông tin đầu vào mà AI tiếp nhận. Ngoài ra, các chủ thể đã đầu tư vào việc phát triển AI cũng cần được nhận một sự bảo hộ tương xứng để có quyền khai thác tác phẩm và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm này. Tuy nhiên, các tiêu chí bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra cần phải có đặc trưng riêng và có sự khác biệt đáng kể so với các tiêu chí bảo hộ tác phẩm truyền thống thông thường. Rõ ràng, các tác phẩm được AI tạo ra không giống với các tác phẩm thông thường bởi chủ thể “sinh ra” chúng không phải là con người, và do đó đòi hỏi những tiêu chí khác biệt để đánh giá khả năng được bảo hộ. Do đó, để được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm do AI tạo ra cần thoả mãn các tiêu chí sau:

  • Việc sử dụng tài sản trí tuệ của người khác trong quá trình AI tạo ra tác phẩm đã được sự cho phép của chủ sở hữu tài sản trí tuệ đó;
  • Bên cạnh việc sử dụng các tài sản trí tuệ của người khác, bản thân các chủ thể cũng như công nghệ AI đã đóng góp vào tác phẩm của mình những ý tưởng mới đủ để tạo nên dấu ấn riêng của chủ thể sáng tạo.
  • Tác phẩm do AI tạo ra phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định (tương tự như điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm truyền thống thông thường).

Thứ hai, cần xây dựng quy định pháp luật nhằm xác định chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Do AI chưa thể vận hành độc lập khỏi sự chi phối của con người nên không thể xác định AI là tác giả. Ngoài ra, các chủ thể tham gia đóng góp vào quá trình AI tạo ra tác phẩm thường bao gồm chủ thể xây dựng, phát triển hệ thống AI và chủ thể trực tiếp sử dụng hệ thống AI để tạo ra tác phẩm. Nhóm học viên cho rằng chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra nên được xác định theo sự thoả thuận của các chủ thể này.

Thứ ba, cần có quy định pháp luật cụ thể để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tác phẩm do AI tạo ra. Trường hợp phạm vi bảo hộ quyền tác giả được mở rộng sang các tác phẩm này chắc chắn sẽ làm gia tăng tranh chấp có liên quan. Ngoài ra, việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tác phẩm do AI tạo ra sẽ khó khăn và phức tạp hơn so với thông thường vì có sự tham gia của máy móc, một chủ thể không phải là con người. Vì vậy, việc có một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả đối với loại tranh chấp này là vô cùng cần thiết.


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Edmond_de_Belamy, truy cập ngày 10/07/2024.

[2] https://www.francoispachet.fr/daddys-car/, truy cập ngày 10/07/2024.

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/1_the_Road, truy cập ngày 10/07/2024.

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)