Cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự

Cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Cấu thành tội trộm cắp tài sản
Cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2

Trộm cắp tài sản là gì?

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Như vậy, đặc trưng của tội trộm cắp tài sản để phân biệt với các tội phạm khác trong nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu là người phạm tội sử dụng thủ đoạn, hành vi lén lút đối với người đang quản lý tài sản.

Cấu thành tội trộm cắp tài sản

Cấu thành tội trộm cắp tài sản thể hiện ở các dấu hiệu sau:

Cấu thành tội trộm cắp tài sản về chủ thể

Người phạm tội trộm cắp tài sản phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên. Riêng đối với hành vi phạm tội trộm cắp tài sản thuộc khoản 1 và khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đây là hai khung hình phạt ít nghiêm trọng và nghiêm trọng.

Cấu thành tội trộm cắp tài sản về khách thể

Khách thể của tội trộm cắp tài sản là quan hệ sở hữu tài sản. Hành vi trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân.

Cấu thành tội trộm cắp tài sản về mặt khách quan

Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, nhưng bằng thủ đoạn lén lút. Thủ đoạn lén lút có thể là lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lén lút phá bỏ các biện pháp bảo vệ tài sản của người quản lý tài sản để thực hiện hành vi trộm cắp.

Hành vi trộm cắp tài sản hoàn thành khi người phạm tội dịch chuyển được tài sản từ người đang quản lý tài sản qua cho người phạm tội (cầm, nắm, giữ, cất giấu, …) tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng thì người trộm cắp tài sản chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm. Hành vi chiếm đoạt tài sản ở đây có thể là hành vi trộm cắp, hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, …

– Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản đã từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 hoặc 290 Bộ luật Hình sự nhưng chưa được xoá án tích.

– Hành vi trộm cắp tài sản gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực.

– Tài sản bị trộm cắp là di vật, cổ vật.

– Tài sản bị trộm cắp là phương tiện kiếm sống chính của nạn nhân và gia đình của họ.

Cấu thành tội trộm cắp tài sản về mặt chủ quan

Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản từ người đang quản lý tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản có trước khi người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)