Sau phúc thẩm là gì?

Nhiều người có thắc mắc là sau phiên toà phúc thẩm, nếu họ không đồng ý với kết quả xét xử phúc thẩm thì có thể thực hiện tiếp các thủ tục nào? Giá trị của bản án phúc thẩm như thế nào? Bài viết này nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau phúc thẩm là gì?

xét xử phúc thẩm
Sau phúc thẩm là gì? 3

Xét xử phúc thẩm là gì?

Xét xử phúc thẩm là việc Toà án nhân dân cấp trên xem xét lại bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị.

Kháng cáo là việc đương sự, bị cáo, bị hại nộp đơn yêu cầu Toà án nhân dân cấp trên xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp dưới.

Kháng nghị là việc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp trên gửi Văn bản kháng nghị cho Toà án nhân dân cấp trên để xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp dưới.

Kết quả của xét xử phúc thẩm:

– Giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

– Sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

– Hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc theo thủ tục thông thường nếu không còn đủ các điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;

– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;

– Đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ý nghĩa của xét xử phúc thẩm

1/ Xét xử phúc thẩm nhằm khắc phục, sửa chữa những sai lầm trong quá trình xét xử và tuyên án của Toà án nhân dân cấp sơ thẩm (nếu có). Sai lầm của Toà án cấp sơ thẩm có thể là chưa thực hiện đúng và đủ thủ tục tố tụng hoặc áp dụng sai pháp luật nội dung. Nếu trường hợp đó xảy ra, việc xét xử phúc thẩm sẽ bảo vệ được công lý, công bằng xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự, củng cố lòng tin của người dân đối với việc xét xử của Toà án.

2/ Qua việc kiểm tra, phát hiện sai lầm của Toà án cấp sơ thẩm, các cấp Toà án có thể rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử của mình. Toà án cấp trên có thể căn cứ vào đó để ban hành các công văn hướng dẫn nghiệp vụ cho Toà án cấp dưới, đảm bảo được hoạt động xét xử ngày càng đúng đắn hơn, ít phạm sai lầm hơn.

3/ Kết quả xét xử phúc thẩm còn là một trong những tiêu chí để đánh giá nghiệp vụ của cán bộ Toà án, làm cơ sở cho công tác quy hoạch cán bộ. Nếu một thẩm phán có số lượng bản án, quyết định bị huỷ nhiều thì đây được xem là một trong những căn cứ để quyết định việc người đó có được tái bổ nhiệm hay không.

quy định xét xử phúc thẩm
Sau phúc thẩm là gì? 4

Thời gian xử phúc thẩm dân sự

1/ Sau khi nhận được đơn kháng cáo của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án đã xét xử sơ thẩm sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên cho Toà án cấp trên có thẩm quyền để xét xử phúc thẩm. Quá trình này mất khoảng 02 tháng.

2/ Chánh án Toà án cấp phúc thẩm sau khi nhận được hồ sơ sẽ phân công thẩm phán giải quyết vụ án. Thẩm phán giải quyết vụ án sẽ nghiên cứu hồ sơ và đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Quá trình này mất từ 2 tháng đến 4 tháng. Trường hợp đặc biệt cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ thì có thể kéo dài hơn.

Sau phúc thẩm là gì?

Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật ngay khi được tuyên án và được đem ra thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo đối với bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm có thể bị người có thẩm quyền kháng nghị nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:

1/ Bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm:

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm:

– Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

 – Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

 – Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

2/ Bản án phúc thẩm bị kháng nghị tái thẩm:

Căn cứ kháng nghị tái thẩm:

– Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

– Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

– Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

– Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

Đương sự tuy không có quyền kháng cáo đối với bản án phúc thẩm nhưng có thể làm đơn đề nghị các cơ quan, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm để xem xét. Nếu cơ quan hoặc người có thẩm quyền kháng nghị xét thấy có căn cứ thì sẽ kháng nghị để Toà án cấp trên xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)