Hotline:
Một trong những tội phạm về chức vụ bị khởi tố, xét xử nhiều nhất là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy thế nào là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có được hưởng án treo không?
Thế nào là thiếu trách nhiệm?
Thiếu trách nhiệm là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất trong tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự thì thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không đúng nhiệm vụ được giao. Nếu người có chức vụ, quyền hạn đã làm hết trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật nhưng vẫn xảy ra hậu quả thì họ không phạm tội này.
Nhiệm vụ được giao là các quy định, quy tắc trong quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản, … mà người ở chức danh, vị trí đó phải tuân thủ. Nhiệm vụ được giao là không giống nhau, tuỳ thuộc vào chức vụ, quyền hạn của mỗi người. Nhiệm vụ được giao được thể hiện trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ở Trung ương và địa phương; quy chế, quy định của tổ chức; quyết định bổ nhiệm, …
Hành vi thiếu trách nhiệm được thể hiện dưới 02 dạng là hành động và không hành động;
– Người có chức vụ, quyền hạn bỏ bê, không làm những nhiệm vụ được giao (hành vi ở dạng không hành động).
– Người có chức vụ, quyền hạn có thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng thực hiện không đúng theo quy định (hành vi ở dạng hành động)
Thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng?
Hậu quả của tội thiếu trách nhiệm là phải gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Điều 360 Bộ luật Hình sự thì gây hậu quả nghiêm trọng là một trong các trường hợp sau:
– Gây chết người.
– Gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho một người từ 61% trở lên.
– Gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho từ hai người trở lên mà tổng tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên.
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.
Bình luận Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Bốn yếu tố cấu thành tội phạm của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được phân tích cụ thể như sau:
Về chủ thể
Cũng như các tội phạm về chức vụ khác, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn có thể do bổ nhiệm, do bầu cử, do ký hợp đồng làm việc, … trong các cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước.
Về khách thể
Khách thể của tội phạm này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước.
Về mặt khách quan
– Hành vi: Người phạm tội phải có hành vi thiếu trách nhiệm nên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao (như đã phân tích ở trên).
– Hậu quả: Hậu quả của tội phạm này phải là hậu quả nghiêm trọng (như đã phân tích ở trên)
Về mặt chủ quan
Về mặt ý thức chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi này do lỗi vô ý. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý thì không phạm tội này mà tuỳ tính chất, mức độ có thể phạm tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có được hưởng án treo?
Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự thì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Cũng theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự thì người bị phạt tù không quá 3 năm, nếu có nhân thân tốt, có các tình tiết giảm nhẹ và Toà án xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì cho hưởng án treo.
Các điều kiện được hưởng án treo theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao.
Như vậy, tuỳ vào hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm mà Toà án sẽ áp dụng khung hình phạt tương ứng. Nếu người phạm tội bị áp dụng mức phạt tù không quá 3 năm thì có thể được xem xét cho hưởng án treo nếu thoả mãn thêm các điều kiện theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.