Tội huỷ hoại tài sản

Quyền sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản của công dân là quyền được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, hành vi huỷ hoại tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tội huỷ hoại tài sản là gì và người phạm tội huỷ hoại tài sản bị pháp luật xử lý như thế nào?

huỷ hoại tài sản của người khác
Huỷ hoại tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật

Tội huỷ hoại tài sản

Huỷ hoại tài sản là hành vi cố ý làm cho tài sản của người khác bị mất hẳn giá trị sử dụng và không thể khôi phục lại được nữa. Ví dụ: Đốt nhà, đốt xe ô tô, dùng thuốc nổ, …

Cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi cố ý làm cho tài sản của người khác bị giảm đáng kể giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng bị suy giảm đó có thể được sửa chữa, khôi phục trở lại một phần hoặc toàn bộ. Ví dụ: Đập phá xe ô tô, đập phá nhà, …

Tội huỷ hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt hành chính huỷ hoại tài sản

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ thì hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức khác, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ thì hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Tội phá hoại tài sản dưới 2 triệu

Người phá hoại tài sản của người khác có giá trị dưới 2 triệu đồng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, mặc dù giá trị tài sản bị phá huỷ dưới 2 triệu đồng, người thực hiện hành vi vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

– Trước đây, người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác mà còn tái phạm.

– Trước đây, người phạm tội đã bị kết án về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, chưa được xoá án tích mà còn tái phạm.

– Hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

– Tài sản bị phá hoại là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình của họ.

– Tài sản bị phá hoại là di vật, cổ vật.

tội huỷ hoại tài sản
Huỷ hoại tài sản của người khác có thể bị phạt tù đến 20 năm

Tội huỷ hoại tài sản nhà nước

Người thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản của Nhà nước tuỳ từng trường hợp cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định như đã trình bày ở trên.

Tuy nhiên, nếu tài sản bị huỷ hoại là tài sản đặc thù, đã được quy định thành tội khác trong Bộ luật Hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Trong các trường hợp này, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng:

– Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản: Điều 242

– Tội huỷ hoại rừng: Điều 243

– Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia: Điều 303

– Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự: Điều 413

Đồng phạm trong tội huỷ hoại tài sản

Đồng phạm trong tội huỷ hoại tài sản là trường hợp có từ 2 người trở lên cùng cố ý thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản của người khác.

Đồng phạm gồm 2 dạng là đồng phạm giản đơn và đồng phạm có tổ chức. Đồng phạm có tổ chức là hình thức phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ, bàn bạc trước về việc thực hiện hành vi phạm tội.

Những người đồng phạm trong vụ án huỷ hoại tài sản có 4 vai trò: Người tổ chức (chủ mưu), người thực hành (người trực tiếp thực hiện hành vi đập phá, đốt, …), người xúi giục và người giúp sức. Tuỳ thuộc vào mức độ tham gia của từng người trong vụ án mà trách nhiệm sẽ khác nhau.

Huỷ hoại tài sản của người khác đi tù bao nhiêu năm?

– Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng: Bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

– Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

  • Phá hoại tài sản có tổ chức.
  • Tài sản bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
  • Tài sản bị huỷ hoại hoặc làm hư hỏng là bảo vật quốc gia.
  • Dùng chất nguy hiểm về cháy nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác để phá hoại tài sản của người khác.
  • Phá hoại tài sản nhằm che giấu một tội phạm khác.
  • Phá hoại tài sản của người khác vì lý do công vụ của người đó.
  • Tái phạm nguy hiểm.

– Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: Bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

– Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên: Bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

– Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)