Hotline:
Bắt cóc chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nạn nhân của tội bắt cóc chủ yếu là trẻ em, không đủ nhận thức và khả năng tự bảo vệ bản thân. Vậy, hành vi bắt cóc con tin tống tiền bị xử lý như thế nào?
Bắt cóc là gì?
Bắt cóc là hành vi bắt giữ người khác làm con tin nhằm buộc người liên quan đến họ phải nộp cho người bắt cóc một khoản tiền hoặc tài sản khác thì mới thả người bị bắt cóc.
Thông thường trong tội bắt cóc, người bị bắt cóc thường sẽ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Và người thân của người bị bắt cóc sẽ bị xâm phạm đến tài sản. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người bị bắt cóc đồng thời là người bị xâm phạm đến tài sản.
Tội bắt cóc con tin tống tiền
Tội bắt cóc con tin tống tiền bao gồm đồng thời 2 hành vi sau đây;
Thứ nhất là hành vi bắt người trái pháp luật.
Hành vi bắt người có thể được thực hiện lén lút hoặc công khai. Sau đó, kẻ bắt cóc thường đưa nạn nhân đến một nơi kín đáo để giấu nhằm tránh bị phát hiện.
Hành vi bắt người có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Các thủ đoạn có thể là dùng vũ lực (đánh, trói, bắt, …), đe doạ dùng vũ lực (kề dao vào cổ nạn nhân buộc nạn nhân phải đi theo kẻ bắt cóc, …), đánh thuốc mê, dùng lời lẽ gian dối làm cho nạn nhân tin tưởng mà đi theo, …
Thứ hai là hành vi đe doạ người khác phải giao tiền hoặc tài sản có giá trị.
Kẻ bắt cóc thường đe doạ người khác (người thân của người bị bắt cóc, cơ quan, tổ chức) phải nộp cho người bắt cóc tiền hoặc tài sản có giá trị. Nếu không người bắt cóc sẽ có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con tin.
Hành vi đe doạ có thể được thực hiện bằng nhiều cách như: Gọi điện thoại, nhắn tin, viết thư, …. Ngoài ra, kẻ bắt cóc có thể có các hành vi đối với con tin như đánh đập, bắt nhịn ăn, doạ giết, doạ bán ra nước ngoài, … Nếu hành vi tác động lên con tin mà đủ yếu tố cấu thành tội khác (giết người, cố ý gây thương tích, …) thì kẻ bắt cóc còn phải chịu trách nhiệm hình sự thêm về tội đó.
Tội bắt cóc trẻ em để tống tiền
Thực tế, đối tượng dễ trở thành nạn nhân của tội bắt cóc tống tiền nhất là trẻ em. Bởi vì trẻ em có sức chống trả yếu, không đủ khả năng nhận thức, không có khả năng tự bảo vệ bảo thân. Ngoài ra, đây còn là đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương từ gia đình và xã hội. Vì vậy, ông bà hoặc bố mẹ của trẻ sẽ dễ bị đe doạ mà giao tiền, tài sản cho kẻ bắt cóc.
Trẻ em theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành là người dưới 16 tuổi. Kẻ bắt cóc sẽ bị tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu nạn nhân bị bắt cóc là trẻ em.
Tội bắt cóc đi tù bao nhiêu năm?
Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi bắt cóc con tin tống tiền mà kẻ bắt cóc phải chịu trách nhiệm tương ứng, cụ thể:
Phạt tù từ 5 năm đến 12 năm đối với các hành vi:
– Bắt cóc có tổ chức
– Bắt cóc có tính chất chuyên nghiệp
– Sử dụng vũ khí, phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm để bắt cóc tống tiền
– Bắt cóc trẻ em dưới 16 tuổi
– Bắt cóc từ 2 người trở lên
– Bắt cóc chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng
– Bắt cóc gây thương tích hoặc rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%
– Hành vi bắt cóc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
– Tái phạm nguy hiểm.
Phạt tù từ 10 năm đến 18 năm đối với các hành vi:
– Bắt cóc chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
– Bắt cóc gây thương tích hoặc rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với các hành vi:
– Bắt cóc chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.
– Bắt cóc làm chết người
– Bắt cóc gây thương tích hoặc rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Các hành vi bắt cóc chiếm đoạt tài sản không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu kẻ bắt cóc mới thực hiện việc chuẩn bị phạm tội đã bị phát hiện thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, bị phạt quản chế, bị cấm cư trú đến 5 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.