Khung hình phạt tội nhận hối lộ

Hành vi nhận hối lộ là hành vi xâm phạm tính đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Vậy khung hình phạt tội nhận hối lộ như thế nào? Người nhận hối lộ sẽ đi tù bao nhiêu năm?

hành vi nhận hối lộ
Hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn

Tội nhận hối lộ là gì?

Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân mình hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác mà mình quan tâm, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Ví dụ về nhận hối lộ

Ví dụ 1:

A quen B là Thẩm phán Toà án nhân dân huyện đang giải quyết vụ án cố ý gây thương tích của em trai A là C. A đưa trước cho B 50 triệu đồng và nhờ B giúp xử cho C được hưởng án treo thì sẽ đưa thêm cho B 100 triệu đồng nữa. Sau khi Toà án xét xử và C được tuyên cho hưởng án treo thì A và C kể với người quen về việc mình “chạy” án treo hết 150 triệu. Chánh án Toà án biết được tin nên đã cho kiểm tra và sự việc trên bị bại lộ.

Ví dụ 2:

A vì đã nhận hối lộ của B nên cố tình chậm thi hành lệnh bắt tạm giam để cho B có cơ hội bỏ trốn ra nước ngoài.

Hành vi nhận hối lộ

Hành vi nhận hối lộ có các đặc điểm cụ thể như sau:

– Hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn giải quyết một công việc cụ thể mà người đưa hối lộ cần. Người không có chức vụ, quyền hạn thì không phạm tội này mà tuỳ thuộc vào hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm về một tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.

– Của đưa hối lộ có thể là giá trị vật chất hoặc phi vật chất (giá trị tinh thần). Ví dụ: tiền, vàng, quyền sử dụng đất, hứa xin việc cho con, hứa chạy chức vụ, tình dục, …

– Người nhận hối lộ có thể nhận hối lộ trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc thông qua trung gian.

– Người phạm tội thực tế đã nhận của hối lộ hoặc chưa nhận của hối lộ (người đưa hối lộ hứa hẹn sau khi xong việc sẽ đưa của hối lộ) đều cấu thành tội nhận hối lộ.

– Người phạm tội có thể nhận hối lộ lợi ích cho chính bản thân mình hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác mà mình quan tâm (bố mẹ, con cái, vợ hoặc chồng, …)

– Có thoả thuận về việc người nhận hối lộ sẽ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Xem thêm về hành vi đưa hối lộ: https://luat90.com/nguoi-dua-hoi-lo-co-bi-phat-khong/

bắt giữ người nhận hối lộ
Người nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng có thể bị xử phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình

Bằng chứng tội nhận hối lộ

Bằng chứng tội nhận hối lộ có thể là bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện được hành vi nhận hối lộ của người phạm tội.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục và liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chứng cứ có thể bao gồm: Vật chứng, lời khai của nhân chứng, dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình, kết quả giám định, biên bản, giấy xác nhận nhận tiền, sao kê ngân hàng, …

Hiện nay, thủ đoạn nhận hối lộ rất phức tạp. Thường thì người nhận hối lộ sẽ để cho người thân của mình đứng ra nhận. Hoặc có trường hợp người đưa hối lộ sẽ mua lại tài sản của gia đình người nhận hối lộ với giá cao gấp 10, 20 lần giá trị thực. Hoặc có trường hợp đưa hối lộ dưới dạng tiền mừng đám cưới, mừng sinh nhật, mừng thôi nôi, …

Khung hình phạt tội nhận hối lộ

– Nhận hối lộ từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc nhận hối lộ lợi ích phi vật chất: Có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm

– Nhận hối lộ từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: Có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm

– Nhận hối lộ từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng: Có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm

– Nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên: Có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm, bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, bị tịch thu tài sản.

Tội nhận hối lộ trên 1 tỷ

Người nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng có thể bị xử phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ đến 5 năm, bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, bị tịch thu tài sản.

Nếu người phạm tội nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản đã nhận hối lộ và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được miễn thi hành án tử hình.

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội nhận hối lộ là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)