Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo quy mô lớn với rất nhiều người bị hại và số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vì sao các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều người bị các đối tượng lừa đảo qua mặt? Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù bao nhiêu năm?

Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và việc lừa đảo diễn ra trên quy mô lớn

Lừa đảo là gì?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các hình thức lừa đảo mới nhất qua mạng

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Dưới đây là tổng hợp một số chiêu thức lừa đảo phổ biến:

1/ Mạo danh là tổng đài bưu điện, công an, tòa án để hăm dọa người khác

– Đối tượng lừa đảo mạo danh Cảnh sát giao thông thông báo rằng người bị hại bị phạt vi phạm giao thông và yêu cầu họ phải nộp tiền phạt.

– Đối tượng lừa đảo mạo danh là Tòa án, Công an gọi điện thoại thông báo rằng tài khoản của người bị hại có liên quan đến một đường dây phạm tội lớn và yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đến tài khoản của chúng để bảo đảm, xác minh.

2/ Đánh cắp thông tin cá nhân của người khác

– Đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho người bị hại, mạo danh là nhân viên tổng đài của bưu điện và thông báo có thư của Tòa án hoặc Công an với nội dung người bị hại có liên quan đến một đường dây phạm tội và yêu cầu họ phải cung cấp thông tin cá nhân để xác minh và nhận thư. Bằng thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt được các thông tin cá nhân của người bị hại và chiếm đoạt tài sản của họ.

– Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn lập các trang web giả mạo trang web của Ngân hàng, doanh nghiệp. Chúng nhắn tin lừa đảo người dùng đăng nhập vào các trang web giả mạo này để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin cá nhân của người đăng nhập, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của họ.

3/ Cung cấp thông tin giả về lợi nhuận, lãi suất để lôi kéo người khác đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.

Trong hình thức lừa đảo này, các đối tượng lừa đảo thường quảng cáo gian dối về các dự án bất động sản siêu lợi nhuận, giao dịch đầu tư quốc tế với lãi suất lớn hơn gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng, … với mục đích lôi kéo nhiều người tham gia đầu tư và chiếm đoạt tiền của họ. Thủ đoạn này chủ yếu đánh vào lòng tham của con người, tâm lý muốn làm giàu nhanh của người bị hại.

4/ Giả vờ tuyển cộng tác viên làm việc online

Các đối tượng lừa đảo đăng tin trên các hội nhóm facebook, zalo với nội dung cần tuyển cộng tác viên làm việc online tại nhà với thu nhập cao. Sau đó, chúng yêu cầu người bị hại phải chuyển cho chúng một số tiền để ký quỹ, giữ chân. Ngoài ra, có trường hợp đối tượng lừa đảo yêu cầu người bị hại thanh toán trước một số đơn hàng để chiếm đoạt tài sản của họ.

5/ Hack tài khoản mạng xã hội của người khác, mạo danh họ để thực hiện hành vi lừa đảo

Các đối tượng lừa đảo giỏi về công nghệ thông tin, dùng các biện pháp khác nhau để hack tài khoản mạng xã hội của người khác. Sau đó, chúng dùng tài khoản đó để nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản bị hack, nhờ họ chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

6/ Cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác

Nhóm đối tượng lừa đảo cố tình chuyển tiền vào tài khoản của người bị hại. Sau đó, chúng gọi điện thoại cho người bị hại nói là chuyển tiền nhầm và đề nghị họ chuyển lại cho chúng vào một tài khoản khác. Sau đó, đối tượng đứng tên chủ tài khoản đã chuyển tiền cho người bị hại gọi điện thoại và tiếp tục yêu cầu người bị hại chuyển hoàn trả lại tiền cho chúng.

7/ Bán hàng giả trên mạng

Các đối tượng lừa đảo lập các trang bán hàng trên mạng xã hội facebook, zalo, tiktok. Chúng quảng cáo đây là hàng xách tay từ các thương hiệu lớn nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái. Hàng hóa chủ yếu mà chúng sử dụng để lừa đảo thường là mỹ phẩm, túi xách, giày dép, …

8/ Sử dụng thông tin cá nhân của người khác để vay tiền

Các đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin cá nhân của người bị hại để đăng ký vay tiền qua mạng với lãi suất cao.

9/ Thông báo trúng thưởng

Các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh các cửa hàng để gọi điện thoại, nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng giải thưởng lớn (vàng, tiền mặt, xe máy, …) và yêu cầu họ phải thanh toán trước phí vận chuyển quà hoặc thanh toán tiền đảm bảo, tiền xác nhận.

10/ Mạo danh để kêu gọi từ thiện

Các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng hình ảnh của người khác hoặc hình ảnh photoshop, cắt ghép về việc một người có hoàn cảnh khó khăn đang bị bệnh hiểm nghèo và kêu gọi quyên góp. Thủ đoạn này đánh vào lòng thương của con người đối với những hoàn cảnh ngặt nghèo và chiếm đoạt tài sản của họ.

Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2
Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử phạt tù đến chung thân

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đi tù bao nhiêu năm?

Tùy vào tính chất của hành vi, số tiền bị chiếm đoạt mà người lừa đảo có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, cụ thể như sau:

– Nếu chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng: Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

– Nếu chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

– Nếu chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định cụ thể tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Các dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1/ Người phạm tội phải có thủ đoạn gian dối trước khi người bị hại giao tài sản cho người phạm tội

Thủ đoạn gian dối có thể được thể hiện dưới dạng các hành vi sau: Nói dối, sử dụng giấy tờ giả, giả danh người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước, … Trong thực tiễn, có rất nhiều thủ đoạn gian dối mà tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người phạm tội có thể lựa chọn sử dụng nhằm mục đích đánh lừa người bị hại để người bị hại giao tài sản của mình cho họ.

Thủ đoạn gian dối phải có trước khi người bị hại giao tài sản cho người phạm tội. Nếu sau khi việc giao nhận tài sản xảy ra, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để không phải trả lại tài sản thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác, ví dụ: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, …

2/ Người bị hại phải tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội

Một đặc điểm để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tội khác xâm phạm quyền sở hữu tài sản (như cướp, cướp giật, trộm, …) là việc người bị hại tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và người bị hại cho rằng việc giao tài sản này là hoàn toàn hợp pháp.

Người bị hại trong tội phạm này thường là người mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin hoặc do tham lam nên tin tưởng vào hành vi gian dối của người phạm tội.

3/ Người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại

Mọi hành vi, thủ đoạn gian dối mà người phạm tội thực hiện đều nhằm vào việc chiếm đoạt tài sản của người bị hại và thực tế là người bị hại đã giao tài sản cho họ. Sau khi nhận được tài sản của người bị hại, người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản đó.

4/ Về giá trị tài sản bị chiếm đoạt

Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, trong một số trường hợp sau đây, mặc dù tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng nhưng người lừa đảo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

– Đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội cướp tài sản hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội cướp giật tài sản hoặc tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc tội trộm cắp tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình của họ.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)