Các bước thành lập doanh nghiệp

Quyền thành lập doanh nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, để thành lập được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về các thủ tục này nhé.

Nội dung bài viết:

Các bước thành lập doanh nghiệp 1
Quyền thành lập doanh nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức được Nhà nước bảo hộ

Các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì các tổ chức, cá nhân không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm 07 đối tượng sau đây:

1. Cơ quan nhà nước hoặc đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan hoặc đơn vị của mình.

2. Cán bộ, công chức, viên chức.

3. Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc công an. (trừ những người được cử làm quản lý tại doanh nghiệp nhà nước hoặc được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác).

4. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. (trừ những người được cử làm người đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác).

5. Người chưa thành niên; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.

6. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. Người đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

7. Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các loại hình doanh nghiệp sau đây: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh.

Mỗi loại hình doanh nghiệp có cơ cấu, tổ chức và cơ chế quản trị nội bộ khác nhau. Để lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp thì người thành lập doanh nghiệp cần phải biết được đặc điểm, ưu điểm và hạn chế của từng loại hình doanh nghiệp.

1/ Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Chủ doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Ưu điểm:

– Công ty chỉ có một người làm chủ nên thuận lợi trong việc đưa ra các quyết định về mọi vấn đề của doanh nghiệp.

Nhược điểm:

– Không có tư cách pháp nhân

– Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân.

– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào nên hạn chế trong việc huy động vốn.

2/ Công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có số thành viên góp vốn từ 02 đến 50 thành viên, các thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Trong đó, các thành viên của Công ty chịu trách nhiệm hữu hạn về các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm hữu hạn về các nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ đăng ký.

Ưu điểm:

– Có tư cách pháp nhân

– Người góp vốn được trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh thông qua Hội đồng thành viên.

– Người thành lập doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Nhược điểm:

– Khả năng huy động vốn thấp.

3/ Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau, công ty cổ phần phải có từ 03 cổ đông trở lên và không bị giới hạn mức tối đa.

Ưu điểm:

– Có tư cách pháp nhân

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

– Khả năng huy động vốn cao, nhiều cơ chế huy động vốn linh hoạt.

Nhược điểm:

– Cơ cấu, tổ chức phức tạp: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, …

– Do số lượng cổ đông lớn nên cổ đông không trực tiếp quản lý điều hành công ty mà giao cho Hội đồng quản trị thực hiện.

– Dễ dẫn đến mâu thuẫn quyền lợi và hình thành nhiều nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích.

Các bước thành lập doanh nghiệp 3
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp là bước đầu tiên để thành lập doanh nghiệp

4/ Công ty hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung gọi là thành viên hợp danh. Ngoài ra, công ty có thể có thêm các thành viên góp vốn.

Ưu điểm:

– Thành viên hợp danh trực tiếp tham gia điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty.

– Thành viên góp vốn không tham gia điều hành hoạt động kinh doanh mà chỉ được nhận lợi tức theo tỷ lệ góp vốn, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Nhược điểm:

– Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Chuẩn bị các điều kiện thành lập doanh nghiệp

1/ Đặt tên cho doanh nghiệp

Tham khảo chi tiết về cách đặt tên doanh nghiệp và tra cứu tên doanh nghiệp có bị trùng với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký trước hay chưa: https://luat90.com/cach-kiem-tra-ten-cong-ty-de-dang-ky-thanh-lap-doanh-nghiep/

2/ Chuẩn bị địa điểm đăng ký trụ sở chính của doanh nghiệp

Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là một thông tin bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trụ sở chính của doanh nghiệp có thể là tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp hoặc đi thuê.

3/ Lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Người thành lập doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành cấp 4 trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào với số lượng ngành nghề không hạn chế, trừ các ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Xem chi tiết về danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh tại Việt Nam: https://luat90.com/nganh-nghe-cam-kinh-doanh/

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề thuộc danh mục các ngành nghề bị hạn chế kinh doanh thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật tương ứng thì mới được kinh doanh ngành nghề đó.

4/ Chuẩn bị về vốn

Người thành lập doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp và phải góp đủ số vốn đó trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời hạn này mà có người không góp đủ vốn thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

5/ Chuẩn bị về nhân sự

Doanh nghiệp bổ nhiệm nhân sự cho các vị trí trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, ký hợp đồng thuê người lao động cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động.

Đăng ký giấy phép kinh doanh cần những gì?

Đăng ký giấy phép kinh doanh cần thực hiện các hồ sơ, thủ tục như sau:

1. Soạn thảo hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tùy theo loại hình doanh nghiệp mà thành phần hồ sơ có sự khác nhau.

Tham khảo hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần mới nhất: https://luat90.com/ho-so-thanh-lap-cong-ty-co-phan-moi-nhat/

2. Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ online bằng cách truy cập vào website: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/auth/Public/LogOn.aspx?ReturnUrl=%2fonline%2fdefault.aspx và thực hiện theo các hướng dẫn sau đây:

– Bước 1: Tạo tài khoản đăng ký kinh doanh

– Bước 2: Đăng nhập hệ thống bằng tài khoản vừa tạo

– Bước 3: Nhập thông tin hồ sơ đăng ký kinh doanh

– Bước 4: Upload các giấy tờ, tài liệu theo quy định

– Bước 5: Ký xác thực

– Bước 6: Nhận giấy biên nhận và theo dõi các thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh được gửi qua email đăng ký và hệ thống đăng ký online.

Các bạn tham khảo hướng dẫn thao tác thực hiện cụ thể tại: https://www.youtube.com/watch?v=dQlCulKTvb0

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)