Bồi thường thiệt hại khi làm chết người

Quyền được bảo toàn tính mạng là quyền của mỗi cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp. Trên thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi làm chết người thường diễn ra khá gay gắt giữa người gây thiệt hại và gia đình nạn nhân.

Về phía gia đình nạn nhân, do quá đau buồn vì mất người thân nên cho rằng dù cho có bù đắp bao nhiêu tiền cũng không làm cho người thân sống lại được, dẫn đến tâm lý đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường lớn nhưng lại không phù hợp với các quy định của pháp luật nên không được tòa án chấp nhận.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi làm chết người theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và thực tiễn xét xử của Tòa án.

Bồi thường thiệt hại khi làm chết người 1
Các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi làm chết người

Bồi thường chi phí trong thời gian cứu chữa

1/ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa bao gồm: tiền thuê phương tiện đi lại, tiền viện phí, tiền thuốc, tiền điều trị theo chỉ định của bác sĩ, các chi phí điều trị thực tế khác cho nạn nhân.

2/ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của nạn nhân
Đối với thu nhập bị mất:

– Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, nạn nhân có thu nhập ổn định từ lương trong biên chế nhà nước, lương hợp đồng lao động thì khoản thu nhập thực tế của nạn nhân là mức tiền lương của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khỏe nhân với khoảng thời gian phải nghỉ việc để điều trị.

– Trường hợp mức thu nhập của các tháng khác nhau thì khoản thu nhập thực tế của nạn nhân là mức thu nhập trung bình của 06 tháng liền kề trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian phải nghỉ việc để điều trị.

– Nếu thu nhập thực tế của nạn nhân không ổn định và không thể xác định được thì khoản thu nhập thực tế của nạn nhân được áp dụng theo mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian nghỉ việc để điều trị.

– Trường hợp nạn nhân chưa đi làm và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường.

Đối với thu nhập bị giảm sút:

– Xác định thu nhập thực tế của nạn nhân trước khi sức khỏe bị xâm phạm (tương tự như trên)

– So sánh với thu nhập thực tế của nạn nhân trong thời gian điều trị (chế độ chi trả của bảo hiểm xã hội hoặc nạn nhân tuy không làm việc nhưng vẫn được công ty thanh toán đủ lương, …)

– Khoản tiền chênh lệch giữa thu nhập của nạn nhân trước khi sức khỏe bị xâm phạm và thu nhập thực tế của nạn nhân trong thời gian điều trị là phần thu nhập bị giảm sút được bồi thường.

3/ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân bao gồm: tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà trọ, thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc hoặc tiền công chăm sóc người bệnh trung bình tại địa phương (trong trường hợp người chăm sóc không có thu nhập thực tế).

Chỉ được yêu cầu bồi thường chi phí này cho 01 người chăm sóc.

Bồi thường thiệt hại khi làm chết người 3
Quyền được bảo toàn tính mạng là quyền của mỗi cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp

Bồi thường chi phí sau khi nạn nhân chết

1/ Chi phí hợp lý cho việc mai táng

Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: tiền mua quan tài, mua đất để chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệng, khăn tang, áo tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các chi phí khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục ở địa phương.

Thực tế cho thấy, tùy vào hoàn cảnh của gia đình nạn nhân, còn khá nhiều chi phí mà gia đình nạn nhân đã bỏ ra chi tiêu trên thực tế để phục vụ cho việc mai táng như cúng kiếng, lễ bái, ăn uống, bốc mộ, … với một khoản tiền tương đối lớn nhưng đây không được xem là các chi phí hợp lý nên sẽ không được Tòa án chấp nhận.

2/ Tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết

Đây là khoản tiền người gây thiệt hại phải thực hiện thay nạn nhân để nuôi dưỡng những người mà khi còn sống nạn nhân phải chu cấp tiền nuôi dưỡng như bố mẹ già yếu, con chưa thành niên, ….

Thời điểm phải trả tiền cấp dưỡng được tính kể từ khi nạn nhân chết và kết thúc khi người được hưởng cấp dưỡng rơi vào một trong các trường hợp theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Ví dụ: Cấp dưỡng cho con của người chết đến khi đủ 18 tuổi và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi sống bản thân.

3/ Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần

Ngoài các khoản bồi thường về vật chất thì người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trường hợp không có những người thừa kế nêu trên thì người được nhận khoản tiền này là người mà nạn nhân trực tiếp nuôi dưỡng hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân.

Mức độ tổn thất về tinh thần được xác định căn cứ vào địa vị và mối quan hệ trong cuộc sống giữa nạn nhân và những người được hưởng khoản tiền bồi thường này. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì do Tòa án quyết định nhưng tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3