Hotline:
Hành vi gây rối trật tự công cộng là gì? Pháp luật quy định như thế nào về người dưới 18 tuổi gây rối trật tự công cộng? Pháp luật xử phạt hành vi gây rối trật tự công cộng như thế nào?
Thế nào là gây rối trật tự công cộng?
Gây rối trật tự công cộng là việc thực hiện các hành vi xâm phạm trật tự tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng chung đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Nơi công cộng có thể là không gian kín hoặc không gian mở, là nơi tập trung đông người. Ví dụ: Bệnh viện, trường học, đường phố, khu vui chơi, sân vận động, công viên, nhà hàng, …
Hành vi gây rối trật tự công cộng
Các hành vi gây rối trật tự cộng cộng rất đa dạng. Một số hành vi gây rối trật tự công cộng:
– Gây mất trật tự công cộng ở nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác.
– Chăn thả gia súc, gia cầm tại nơi công cộng.
– Lấn chiếm lòng lề đường hoặc nơi công cộng khác như công viên, sân chơi, …
– Gây gổ đánh nhau tại nơi công cộng.
– Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ.
– Uống rượu bia gây mất trật tự công cộng.
– Thực hiện các hành vi khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
– Đổ hoặc ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch đá vào nhà ở hoặc trụ sở của cơ quan, tổ chức.
– Tổ chức tập trung đông người trái pháp luật trước trụ sở của cơ quan nhà nước hoặc các khu vực cấm.
Xử phạt hành vi gây rối trật tự công cộng
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ thì hành vi gây mất trật tự công cộng, tuỳ mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép (nếu có) hoặc bị trục xuất (đối với người nước ngoài). Người vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, buộc bồi thường thiệt hại, xin lỗi cải chính công khai, …
Tội gây rối trật tự công cộng
Người gây rối trật tự công cộng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Trước đây đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng mà còn tái phạm.
- Trước đây đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xoá án tích mà còn tái phạm.
Người phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự sẽ bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Gây rối trật tự công cộng có tổ chức.
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách khi gây rối trật tự công cộng.
- Gây rối trật tự công cộng gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây ra việc đình trệ hoạt động công cộng khác.
- Xúi giục người khác gây rối.
- Có hành vi hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng.
- Tái phạm nguy hiểm.
Người dưới 18 tuổi gây rối trật tự công cộng
Theo quy định tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt hành chính về các hành vi cố ý. Người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt hành chính về mọi hành vi vi phạm cố ý và vô ý.
Vì hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý nên người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ bị xử lý về hành vi này. Người dưới 14 tuổi không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, nếu hành vi gây rối trật tự công cộng đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm từ đủ 16 tuổi trở lên. Người dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.