Hotline:
Truyền thông bẩn bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?Truyền thông bẩn không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức mà còn tác động xấu đến xã hội, làm sai lệch thông tin và định hướng dư luận. Trước thực trạng này, pháp luật Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ nhằm xử lý các hành vi đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống hoặc lợi dụng truyền thông để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Truyền thông bẩn bị xử lý như thế nào bằng biện pháp hành chính?
Truyền thông bẩn có thể bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó biện pháp hành chính là một trong những chế tài được áp dụng phổ biến để xử lý các hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo các quy định pháp luật hiện hành, các hành vi truyền thông bẩn có thể bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, cả hai được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, cơ quan, tổ chức
- Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm:
- Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng nếu có hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng (điểm a khoản 2 Điều 8)
- Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng nếu xuất bản xuất bản phẩm có nội dung sai sự thật nghiêm trọng. Mức phạt áp dụng đối với từng xuất bản phẩm. (điểm b khoản 2 Điều 24)
- Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng nếu có hành vi đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. (khoản 5 Điều 8)
Truyền thông bẩn bị xử lý như thế nào bằng biện pháp dân sự?
Ngoài các biện pháp xử lý hành chính và hình sự, hành vi truyền thông bẩn còn có thể bị xử lý theo biện pháp dân sự, đặc biệt trong các trường hợp gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan, người bị ảnh hưởng bởi truyền thông bẩn có quyền khởi kiện bên vi phạm đến Toà án yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai.
Theo đó, người bị hại cần thu thập bằng chứng về hành vi vi phạm, bao gồm bài viết, hình ảnh, bình luận, video, bản chụp màn hình. Nếu thiệt hại về tài chính xảy ra, cần có các tài liệu chứng minh như báo cáo tài chính, hợp đồng bị hủy bỏ, thư phản hồi của đối tác. Trong một số trường hợp, để lưu giữ chứng cứ một cách hợp pháp, người bị hại có thể tiến hành lập vi bằng hành vi vi phạm phòng trường hợp bên vi phạm xoá, gỡ bỏ các bài viết vi phạm.
Truyền thông bẩn bị xử lý như thế nào bằng biện pháp hình sự?
Ngoài các biện pháp xử lý hành chính và dân sự, hành vi truyền thông bẩn có thể bị xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm: vu khống, làm nhục người khác.
Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống nếu bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù lên đến 07 năm.
Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Mức hình phạt tù tối đa mà người phạm tội có thể bị áp dụng nếu phạm tội này là 05 năm tù.
Dịch vụ tư vấn xử lý truyền thông bẩn theo quy định của pháp luật
Trong thời đại số, việc bị bôi nhọ, vu khống hoặc phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, báo chí hoặc các phương tiện truyền thông khác có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Nếu bạn đang đối mặt với tình trạng này, Công ty Luật DCNH Law sẵn sàng giúp bạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng các giải pháp pháp lý hiệu quả.
DỊCH VỤ CHÚNG TÔI CUNG CẤP
- Tư vấn pháp lý toàn diện về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, doanh nghiệp khi bị truyền thông bẩn tấn công.
- Xác định vi phạm, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất phương án xử lý theo pháp luật.
- Đại diện khách hàng làm việc với cơ quan chức năng để xử lý hành vi truyền thông bẩn bằng biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: dcnh.law@gmail.com