Luật thừa kế đất đai trong gia đình

Hiện nay, phần lớn các tranh chấp về chia thừa kế đều liên quan đến di sản là quyền sử dụng đất. Vậy đường lối giải quyết các tranh chấp về chia thừa kế quyền sử dụng đất như thế nào?

Luật thừa kế đất đai trong gia đình 1
Quyền sử dụng đất là tài sản thừa kế phổ biến trên thực tế

Thừa kế quyền sử dụng đất là gì?

Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người chết sang cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất bao gồm: Tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, tranh chấp yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của người thừa kế, tranh chấp bác bỏ quyền thừa kế. Khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, ngoài việc áp dụng các quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự, Tòa án còn áp dụng các quy định tương ứng của Luật Đất đai từng thời kỳ.

Xác định di sản là quyền sử dụng đất:

Quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của người chết để lại bao gồm:

– Quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu riêng của người chết.

– Quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất của người chết trong khối tài sản chung vợ chồng.

– Quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất của người chết trong khối tài sản chung theo phần với người khác.

Để chứng minh quyền sử dụng đất là di sản của người chết để lại thừa kế, đương sự phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ bao gồm:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Các giấy tờ có giá trị chứng minh về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;

– Bản án hoặc quyết định chia tài sản chung vợ chồng, phân chia thừa kế, văn bản tặng cho tài sản, chuyển nhượng tài sản;

– Thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng hoặc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung vợ chồng, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng;

Văn bản cam kết hoặc thỏa thuận về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân;

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy tờ xác định về việc tài sản được hình thành ngoài thời kỳ hôn nhân;

– Văn bản thỏa thuận cùng góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người khác.

Trên thực tế, có trường hợp người chết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sau khi họ chết mới phát sinh tranh chấp. Kết quả giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền xác định người chết không phải là người có quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp.

Quyền thừa kế đất đai có di chúc

Nếu người chết để lại di chúc và di chúc này là hợp pháp thì di sản là quyền sử dụng đất được chia theo ý nguyện của người chết đã được ghi nhận trong di chúc.

Luật thừa kế đất đai trong gia đình 3
Nếu di chúc được lập hợp pháp, di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc
Di chúc hợp pháp là di chúc đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị bất kỳ ai lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép trong việc lập di chúc.

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội; hình thức của di chúc tuân thủ theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Một phần hoặc toàn bộ di chúc không có hiệu lực trong các trường hợp sau:

– Người thừa kế được chỉ định trong di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

– Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm người để lại di sản chết.

Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và di chúc bổ sung có hiệu lực như nhau; trường hợp di chúc đã lập và di chúc bổ sung mâu thuẫn nhau thì di chúc bổ sung có hiệu lực pháp luật.

Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với cùng một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.

Lưu ý:

Những người sau đây vẫn được nhận phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, nếu họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng di sản ít hơn 2/3 suất đó:

– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

– Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng nếu họ từ chối nhận di sản hoặc họ không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.

Quyền thừa kế đất đai không có di chúc

Nguyên tắc chia thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật

Trong trường hợp người chết không có di chúc hoặc tuy có di chúc nhưng không định đoạt quyền sử dụng đất trong di chúc hoặc có định đoạt nhưng phần di chúc đó bị vô hiệu thì di sản là quyền sử dụng đất sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Khi chia thừa kế theo pháp luật, di sản sẽ được chia đều cho những người thừa kế cùng hàng thừa kế. Trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế trước thì những người ở hàng thừa kế sau mới được nhận di sản.

Thừa kế quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của một bên đã hết

Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau. Khi vợ hoặc chồng chết thì bên còn sống là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất và quản lý tài sản chung của vợ chồng. Khi phát sinh tranh chấp thừa kế mà thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của người vợ/chồng chết trước đã hết thì phân biệt các trường hợp sau:  

– Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của người vợ hoặc chồng chết trước đã hết, còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của người vợ hoặc chồng chết sau vẫn còn thì Tòa án chỉ chia phần di sản của người chết sau và công nhận di sản của người chết trước thuộc quyền sở hữu của người thừa kế đang quản lý di sản đó.

– Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, một bên vợ hoặc chồng chết trước đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, bên còn lại vẫn còn sống và đang quản lý toàn bộ quyền sử dụng đất này thì Tòa án công nhận di sản thuộc quyền sở hữu của người vợ hoặc chồng còn sống.

Thủ tục khởi kiện chia thừa kế đất đai trong gia đình

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (10 bình chọn)