Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hàng hóa trao đổi ngày càng đa dạng và phong phú. Hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi dẫn đến các tranh chấp liên quan cũng ngày càng gia tăng. Vậy pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa như thế nào?

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa 1
Hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi dẫn đến các tranh chấp liên quan cũng ngày càng gia tăng

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Luật Thương mại năm 2005 không đưa ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật thì những nội dung mà Luật Thương mại không quy định sẽ được áp dụng theo các quy định của Bộ luật Dân sự. Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa về Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua thanh toán tiền cho bên bán.

Bản chất của hoạt động mua bán hàng hóa là việc bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua để nhận lại tiền từ bên mua. Như vậy, có thể định nghĩa hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các thương nhân theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Đặc điểm của Hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng mua bán hàng hóa có những dấu hiệu cơ bản sau:

Đối tượng của Hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa.

Hàng hóa là sản phẩm lao động của con người để mua bán, trao đổi trên thị trường. Hàng hóa bao gồm hàng hóa hữu hình, giấy tờ có giá, hàng hóa hình thành trong tương lai, …

Hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa phải là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường, không thuộc các trường hợp hạn chế lưu thông và cấm lưu thông theo quy định của pháp luật.

Thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa thường đa dạng và phụ thuộc vào loại hàng hóa mua bán.

Hợp đồng là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên giao kết hợp đồng về các điều khoản trong hợp đồng. Hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra đa dạng, phong phú và phức tạp. Vì vậy, thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa cũng rất đa dạng và phụ thuộc vào tính chất của từng loại hàng hóa.

Bản chất của hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường được thể hiện ở hai thỏa thuận chính sau đây:

– Thỏa thuận về nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa của bên bán

– Thỏa thuận về nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng của bên mua.

Hai thỏa thuận này là cơ sở giúp phân biệt hợp đồng mua bán hàng hóa với các loại hợp đồng khác có gắn với hàng hóa, ví dụ như hợp đồng thuê, hợp đồng gia công, …

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa 3
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng thương mại tùy theo chủ thể ký kết và mục đích của hợp đồng

Các loại tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Tranh chấp phát sinh từ hành vi vi phạm nghĩa vụ giao hàng của bên bán

– Tranh chấp liên quan đến số lượng hàng hóa như giao thiếu hàng, không giao hàng, giao hàng không kèm theo chứng từ hoặc giao chậm chứng từ có liên quan đến hàng hóa, …

– Tranh chấp liên quan đến chất lượng hàng hóa như giao hàng không đúng quy cách, chất lượng, phẩm chất, quy cách đóng gói đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa, …

– Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ giao hàng như giao hàng không đúng thời gian và địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng, …

Bên bị vi phạm trong các trường hợp này thường có các yêu cầu phổ biến như sau:

– Yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng (trường hợp giao hàng thiếu hoặc giao hàng không đảm bảo chất lượng);

– Yêu cầu bồi thường thiệt hại;

– Yêu cầu phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận phạt vi phạm);

– Yêu cầu chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Tranh chấp phát sinh từ hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên mua

– Tranh chấp liên quan đến vi phạm nghĩa vụ thanh toán như bên mua không thanh toán, thanh toán không đủ hoặc chậm thanh toán hoặc thanh toán không đúng phương thức theo nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng.

– Tranh chấp liên quan đến vi phạm nghĩa vụ nhận hàng của bên mua như nhận hàng chậm hoặc không nhận hàng.

Bên bị vi phạm trong các trường hợp này thường có các yêu cầu phổ biến như sau:

– Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và tiền lãi phát sinh trên số tiền chậm thanh toán;

– Yêu cầu bồi thường thiệt hại;

– Yêu cầu phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận phạt vi phạm);

– Yêu cầu chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng thương mại tùy theo chủ thể ký kết và mục đích của hợp đồng. Việc nhận diện chính xác loại hợp đồng mua bán hàng hóa nhằm xác định quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng đó.

Pháp luật nội dung được áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là các quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa đó. Ngoài ra, do sự đa dạng và phức tạp của các loại hàng hóa giao dịch nên khi giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu và ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với loại hàng hóa đó. Trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng các quy định của pháp luật chung.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)