Hotline:
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề về quyền tác giả ngày càng được quan tâm. Một vấn đề được đặt ra là trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân chết thì quyền tác giả có được xem là tài sản thừa kế hay không và nếu có thì người thừa kế có được thừa kế toàn bộ nội dung các quyền thuộc quyền tác giả hay không? Sau đây, bài viết xin chia sẻ đến bạn đọc các quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế quyền tác giả.
Tác giả là ai
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan thì tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Những người chỉ hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm thì không được pháp luật công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả của tác phẩm đó.
Chủ sở hữu quyền tác giả là ai
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản. Tổ chức, cá nhân có thể trở thành chủ sở hữu quyền tác giả trong các trường hợp sau:
– Là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.
– Là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả là người của tổ chức mình hoặc giao kết hợp đồng với tác giả để sáng tạo ra tác phẩm.
– Được thừa kế, kế thừa hoặc nhận chuyển nhượng quyền tác giả.
Sự khác nhau giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả
Tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm bằng công sức, thời gian và chi phí của mình cũng đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Tuy nhiên, trong trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm theo hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động thì tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp này, cần phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả như sau:
– Về chủ thể: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nên lúc nào tác giả cũng là cá nhân. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
– Về vai trò: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm còn chủ sở hữu quyền tác giả thì không phải.
– Về quyền: Tác giả có các quyền nhân thân đối với tác phẩm trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền tài sản đối với tác phẩm và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm
Các loại tài sản được thừa kế quyền tác giả
Các tác phẩm thuộc các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam thì được để thừa kế quyền tác giả, bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và các tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm này (tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm cải biên, phóng tác, chuyển thể, chú giải, biên soạn, tuyển chọn)
Xem bài viết cụ thể về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả: Link
Người thừa kế quyền tác giả có quyền nào
Theo quy định tại Điều 40 Luật Sở hữu trí tuệ thì người thừa kế quyền tác giả được thừa kế các quyền sau đây:
– Các quyền tài sản bao gồm: Người thừa kế quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
– Quyền nhân thân: Người thừa kế quyền tác giả có quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm đó.
Lưu ý:
– Các quyền nhân thân còn lại (trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) không được thừa kế.
– Người thừa kế quyền tác giả chỉ được thực hiện các quyền trong phạm vi thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Quy định về thừa kế quyền tác giả
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền lập di chúc để định đoạt quyền tác giả của mình. Nếu tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng di chúc không hợp pháp hoặc không định đoạt quyền tác giả thì quyền tác giả sẽ được phân chia theo pháp luật.
Hàng thừa kế:
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự ba hàng thừa kế sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông bà nội; ông bà ngoại; anh, chị, em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác, chú, cậu, cô, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng một hàng thừa kế thì được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người thừa kế ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản, không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, theo quy định tại Mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
– Trường hợp một người có nhiều vợ (đối với trường hợp kết hôn trước ngày 13/01/1960 đối với miền Bắc hoặc trước ngày 25/03/1977 đối với miền Nam hoặc đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam nhưng sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn lần sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật) thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại.
– Con trong giá thú hay ngoài giá thú của một người đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của người đó. Cha, mẹ của người con trong giá thú và của người con ngoài giá thú đều là những người thừa kế ở hàng thứ nhất của người con của mình. Người vừa có con trong giá thú và vừa có con ngoài giá thú là họ là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả những người con của mình.
– Con nuôi không phải là cháu của cha, mẹ của người nuôi dưỡng và cũng không phải là anh, chị, em của con đẻ của người nuôi dưỡng. Do đó, con nuôi không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ và con đẻ của người nuôi dưỡng.
– Anh, chị, em ruột là anh, chị, em cùng một mẹ hoặc cùng một cha. Ví dụ: một người mẹ sinh bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc những người con đó là cùng cha hay khác cha. Con riêng của vợ và con riêng của chồng không được xem là anh, chị, em ruột của nhau.
Điều kiện đối với người thừa kế:
Điều kiện đối với người thừa kế là phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chết. Trường hợp tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày chết được xác định trong quyết định của Tòa án.
Các trường hợp người thừa kế không được quyền hưởng thừa kế:
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định các trường hợp mà người thừa kế không được quyền hưởng di sản do người chết để lại theo pháp luật, bao gồm:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của những người thừa kế khác nhằm hưởng phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả lập di chúc; giả mạo, sửa chữa, huỷ, che giấu di chúc nhằm hưởng di sản trái với ý chí của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là quyền tác giả là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Hồ sơ thừa kế quyền tác giả
Quyền tác giả có thể được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Việc thừa kế được thực hiện thông qua thủ tục lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế quyền tác giả bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng
– Giấy chứng tử của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
– Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả hoặc các tài liệu khác chứng minh người chết là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm.
– Di chúc (trong trường hợp thừa kế theo di chúc)
– Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người chết và những người thừa kế (trong trường hợp thừa kế theo pháp luật): Hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng tử của những người thừa kế chết trước người để lại di sản, giấy đăng ký kết hôn, …
– Giấy tờ chứng thực cá nhân của những người yêu cầu công chứng văn bản về thừa kế: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, …
Có được đổi tên tác phẩm sau khi nhận thừa kế không
Quyền đặt tên cho tác phẩm là một trong các quyền nhân thân của tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền nhân thân này không được chuyển giao, không được để lại thừa kế cho người khác. Vì vậy, người thừa kế không có quyền đổi tên tác phẩm sau khi nhận thừa kế quyền tác giả.
Quyền tác giả sau khi thừa kế có được chuyển nhượng không
Sau khi nhận thừa kế, người thừa kế sẽ trở thành chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ quyền tác giả và có quyền chuyển nhượng quyền tác giả trong phạm vi các quyền mà mình được thừa kế. Nội dung quyền tác giả được chuyển nhượng là các quyền về tài sản và quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.