Thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả mới nhất năm 2024

Ngày nay, việc chuyển nhượng quyền tác giả ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Chuyển nhượng quyền tác giả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác thương mại tác phẩm. Vậy, thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả như thế nào?

Thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả mới nhất năm 2024
Thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả mới nhất năm 2024 2

Chuyển nhượng quyền tác giả là gì?

Quy định tại Điều 45 của Luật Sở hữu trí tuệ thì chuyển nhượng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền sau đây cho tổ chức, cá nhân khác:

– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Các quyền tài sản trong phạm vi quyền tác giả, bao gồm: Quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền sao chép tác phẩm; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc, bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; quyền cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Nếu tác phẩm có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu đó. Mặc dù có đồng chủ sở hữu nhưng nếu tác phẩm có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển nhượng quyền tác giả đối với phần riêng biệt đó của mình.

Ví dụ về chuyển nhượng quyền tác giả

Minh là một nhạc sĩ đã sáng tác một bản nhạc mới. Anh quyết định chuyển nhượng quyền tác giả của bản nhạc này cho một công ty sản xuất âm nhạc để họ có thể khai thác thương mại nó tốt hơn và anh cũng thu lại được số tiền lợi nhuận bù đắp cho công sức sáng tạo của mình.

Đầu tiên, Minh và công ty sản xuất âm nhạc tổ chức một cuộc họp để thảo luận về điều khoản của việc chuyển nhượng quyền tác giả. Họ thảo luận về phạm vi chuyển nhượng và khoản tiền mà Minh sẽ nhận được từ việc chuyển nhượng.

Sau khi đã thống nhất các điều khoản, một hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả được soạn thảo. Hợp đồng này quy định chi tiết các quyền được chuyển nhượng, bao gồm quyền sao chép, phân phối, công bố công khai, truyền đạt đến công chúng và tạo ra các tác phẩm phái sinh từ bản nhạc của Minh. Các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng và Minh nhận được toàn bộ khoản tiền thanh toán cho quyền tác giả của mình theo điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng. Với hợp đồng chuyển nhượng này, công ty sản xuất âm nhạc chính thức trở thành chủ sở hữu quyền tác giả của bản nhạc và có thể bắt đầu sử dụng nó theo các điều khoản đã được thỏa thuận.

Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty sản xuất âm nhạc đã thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả mới đối với bản nhạc nêu trên.

Qua việc chuyển nhượng này, Minh có thể tập trung vào việc sáng tạo nghệ thuật mà không phải lo lắng về việc sản xuất hay phân phối tác phẩm, trong khi công ty có thể tận dụng tác phẩm để tạo ra lợi nhuận từ việc sử dụng thương mại. Cả hai bên đều có lợi từ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả này.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải được lập thành văn bản và được thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ theo các quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Các nội dung chủ yếu của Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả:

  • Tên và địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
  • Căn cứ thực hiện việc chuyển nhượng;
  • Thông tin về tác phẩm;
  • Phạm vi chuyển nhượng quyền tác giả;
  • Giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  • Hiệu lực của hợp đồng;
  • Giải quyết tranh chấp.

Hồ sơ đăng ký chuyển nhượng quyền tác giả

Đối với trường hợp tác phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, sau đó được chủ sở hữu chuyển nhượng lại cho người khác thì bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu mới của tác phẩm và nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả:

Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
  • Bản sao căn cước công dân hoặc giấy đăng ký hoạt động của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng quyền tác giả.
  • 02 bản sao tác phẩm đăng ký (trong đó có ít nhất 01 bản điện tử được nộp trong USB)
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả;
  • Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan);
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung).

Thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ đăng ký chuyển nhượng quyền tác giả là Cục Bản quyền tác giả Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hồ sơ cấp đổi được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến một trong các địa điểm sau đây của Cục Bản quyền tác giả:

– Trụ sở Cục Bản quyền tác giả: số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

– Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh: số 170 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng: số 58 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Thời gian đăng ký việc chuyển nhượng quyền tác giả và cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trên thực tế khoảng từ 2-3 tháng.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)