So sánh cải tạo không giam giữ và án treo

So sánh cải tạo không giam giữ và án treo theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

So sánh cải tạo không giam giữ và án treo
So sánh cải tạo không giam giữ và án treo 2

Cải tạo không giam giữ là gì?

Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, được quy định tại Điều 36 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với một số tội phạm và người phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, cho phép họ được sống và làm việc tại nơi cư trú mà không phải cách ly họ ra khỏi xã hội, nhưng họ phải chịu sự quản lý và giám sát của cơ quan chức năng tại địa phương.

Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người phạm tội phải thực hiện một số nghĩa vụ với Nhà nước, trong đó có nghĩa vụ khấu trừ từ 05% – 20% thu nhập hàng tháng để sung vào công quỹ Nhà nước, hoặc thực hiện một số công việc lao động công ích để phục vụ cộng đồng.

Án treo là gì?

Án treo không phải là một hình phạt trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, nó là một biện pháp thay thế hình phạt tù, được Toà án xem xét áp dụng cho người phạm tội đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật hình sự.

Xem thêm về án treo

So sánh cải tạo không giam giữ và án treo

Cải tạo không giam giữ và án treo đều giống nhau là người phạm tội không bị cách ly khỏi xã hội mà được sống và làm việc tại nơi cư trú của mình, dưới sự giám sát của Uỷ ban nhân dân cấp xã và Công an xã tại địa phương. Tuy nhiên, cải tạo không giam giữ và án treo vẫn có nhiều điểm khác biệt.

1/ Bản chất pháp lý

Cải tạo không giam giữ là một hình phạt chính được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Còn án treo không phải là hình phạt mà chỉ là một biện pháp thay thế hình phạt tù có thời hạn được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Về bản chất, người phạm tội vẫn bị tuyên hình phạt tù nhưng được hoãn thực hiện và cho thời gian thử thách. Nếu người phạm tội chấp hành đầy đủ nghĩa vụ trong thời gian thử thách thì không phải chấp hành hình phạt tù.

2/ Thời gian áp dụng

Thời gian cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 03 năm. Trong khi đó, thời gian thử thách khi chấp hành án treo là từ 01 năm đến 05 năm.

3/ Nghĩa vụ của người phạm tội

Nếu người phạm tội bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì ngoài việc phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương, người phạm tội còn bị khấu trừ thu nhập hàng tháng để sung công quỹ Nhà nước. Trường hợp người phạm tội không có việc làm thì phải tham gia lao động công ích tại địa phương với thời gian không quá 04 giờ/ngày và không quá 05 ngày/tuần.

Người phạm tội được hưởng án treo chỉ phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo, chịu sự giám sát của chính quyền địa phương. Họ không bị khấu trừ thu nhập và không bị buộc phải lao động công ích.

4/ Hậu quả pháp lý nếu người phạm tội vi phạm nghĩa vụ

Người bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ nếu vi phạm nghĩa vụ trong thời gian chấp hành bản án thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Ví dụ: Cưỡng chế khấu trừ thu nhập theo quy định.

Người bị kết án tù được hưởng án treo, nếu vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách thì sẽ bị buộc phải chấp hành án phạt tù đã nêu trong bản án.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3