Hotline:
Tặng cho quyền sử dụng đất là một nhu cầu trong các giao dịch về đất. Người tặng cho và người được tặng cho thường có mối quan hệ huyết thống (bố mẹ đối với con cái, ông bà đối với cháu) hoặc mối quan hệ hôn nhân (vợ chồng với nhau). Pháp luật Việt Nam quy định về tặng cho quyền sử dụng đất như thế nào?
Tặng cho quyền sử dụng đất là gì?
Tặng cho quyền sử dụng đất là việc chủ sở hữu của quyền sử dụng đất giao và chuyển quyền sở hữu của mình cho bên nhận tặng cho mà không yêu cầu đền bù.
Như vậy, chúng ta phân biệt giữa việc tặng cho quyền sử dụng đất và các giao dịch khác về quyền sử dụng đất thông qua 2 đặc điểm chính sau:
– Có sự chuyển giao chủ sở hữu của quyền sử dụng đất từ người này sang người khác.
– Là hợp đồng không có đền bù, bên nhận tặng cho quyền sử dụng đất không phải trả cho bên tặng cho quyền sử dụng đất bất kỳ chi phí nào.
Ai được tặng cho quyền sử dụng đất
Theo quy định của pháp luật, tặng cho quyền sử dụng đất là một trong các quyền định đoạt của chủ sở hữu. Vì vậy, chỉ có chủ sở hữu quyền sử dụng đất mới được tặng cho quyền sử dụng đất đó cho người khác.
Người được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp có quyền thay mặt chủ sở hữu ký kết hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Mọi hành vi tặng cho quyền sử dụng đất mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu đều không có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp không được tặng cho quyền sử dụng đất
Trong các trường hợp sau đây, việc tặng cho quyền sử dụng đất là bất hợp pháp và không được pháp luật công nhận.
– Người tặng cho không phải là chủ sở hữu hợp pháp của quyền sử dụng đất và không phải là người được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp. Chủ sở hữu của quyền sử dụng đất chứng minh quyền của mình thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ khác về đất đai được pháp luật thừa nhận.
– Quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của nhiều người và có đồng chủ sở hữu không đồng ý tặng cho.
– Đất đang có tranh chấp với người khác.
– Đất đang bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kê biên để thi hành án.
– Việc tặng cho quyền sử dụng đất nhằm trốn tránh nghĩa vụ của chủ sở hữu quyền sử dụng đất với bên thứ ba khác.
– Người giám hộ đem quyền sử dụng đất của người được giám hộ để tặng cho người khác.
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
Theo quy định của pháp luật, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để cập nhật sang tên cho người được tặng cho.
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm hoàn thành việc đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm các điều khoản chủ yếu sau đây.
– Tên, căn cước công dân (đối với cá nhân), số đăng ký hoạt động (đối với tổ chức), địa chỉ của bên tặng cho và bên nhận tặng cho.
– Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.
– Thông tin của quyền sử dụng đất được tặng cho (số tờ, số thửa, địa chỉ thửa đất, diện tích, loại đất, nguồn gốc sử dụng đất, …).
– Nội dung tặng cho quyền sử dụng đất.
– Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
– Hiệu lực của hợp đồng.
– Phương thức giải quyết tranh chấp.
Trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất bằng miệng vẫn có hiệu lực pháp luật
– Án lệ về trường hợp cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất bằng miệng: https://luat90.com/cha-me-tang-cho-con-quyen-su-dung-dat-bang-mieng-an-le-so-03-2016-al/
Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.
– Án lệ về trường hợp công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng: https://luat90.com/cong-nhan-dieu-kien-cua-hop-dong-tang-cho-quyen-su-dung-dat-ma-dieu-kien-do-khong-duoc-ghi-trong-hop-dong-an-le-so-14-2017-al/
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Trường hợp này, Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
– Án lệ về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sử dụng đất: https://luat90.com/hieu-luc-cua-hop-dong-tang-cho-quyen-su-dung-dat-khi-chua-dang-ky-quyen-su-dung-dat-an-le-so-52-2021-al/
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được lập thành văn bản đã được công chứng, chứng thực; bên được tặng cho chưa đăng ký quyền sử dụng đất do trở ngại khách quan thì bên tặng cho tài sản chết. Trường hợp này, phải xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật.
Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất cho con
Thông thường, bố mẹ có 02 cách để chuyển quyền sở hữu tài sản cho con cái của mình là tặng cho quyền sử dụng đất hoặc để thừa kế quyền sử dụng đất.
Tặng cho quyền sử dụng đất cho con là việc bố mẹ ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con cái. Quyền sử dụng đất sẽ được chuyển sang tên của con cái khi bố mẹ đang còn sống.
Các bước tặng cho quyền sử dụng đất cho con:
– Chuẩn bị hồ sơ gồm: Giấy tờ chứng thực cá nhân của bố mẹ và người con được tặng cho (Căn cước công dân, hộ chiếu, …), Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng).
– Bố mẹ và người con được tặng cho tài sản cùng nhau ký kết hợp đồng tặng cho tại Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.
– Nộp hồ sơ đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất. – Bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con thì thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, các bên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.