Hotline:
Bạn thường xuyên nghe nói về án treo nhưng bạn có thật sự hiểu án treo là gì và quy định về án treo như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Án treo là gì?
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Án treo được Tòa án xem xét áp dụng đối với người bị phạt tù không quá 3 năm. Căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ mà họ được hưởng, nếu Tòa án xét thấy không cần bắt người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù thì cho người đó hưởng án treo.
Án treo có phải là hình phạt không?
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do Tòa án áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.
Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các hình phạt bao gồm:
– Hình phạt chính: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
– Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền, trục xuất.
Như vậy, vì không được liệt kê tại Điều 32 Bộ luật Hình sự nên án treo không phải là hình phạt.
Thời gian thử thách án treo
Thời gian thử thách của án treo là khoảng thời gian do Tòa án ấn định trong bản án để thử thách người được cho hưởng án treo.
Nếu trong thời gian thử thách này mà người được hưởng án treo chấp hành tốt các quy định của pháp luật và không phạm tội mới thì người đó không phải thi hành hình phạt tù. Nếu ngược lại thì người đó phải chấp hành hình phạt tù đã được Tòa án quyết định trong bản án.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự thì thời gian thử thách sẽ do Tòa án ấn định từ 1-5 năm.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP) thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được quy định như sau:
1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.
6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
9. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần sau.
Những trường hợp không được hưởng án treo
Như đã nêu ở phần trên, nếu người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm thì Tòa án có thể xem xét nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của họ để cho họ được hưởng án treo. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định một số trường hợp cụ thể mà Tòa án không được phép cho người phạm tội được hưởng án treo.
Những trường hợp không được hưởng án treo bao gồm:
1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.
5. Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;
c) Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
d) Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.
6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Án treo có được đi làm không?
Theo quy định của pháp luật, người được hưởng án treo vẫn được đi làm bình thường. Tuy nhiên, nếu trong bản án, quyết định của Tòa án có nội dung cấm người được hưởng án treo được đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì họ không được làm các công việc đó.
Án treo có được đi khỏi địa phương không?
Người được hưởng án treo sẽ được giao về cho địa phương nơi họ cư trú để quản lý, giám sát. Họ chỉ được đi khỏi nơi cư trú nếu có lý do chính đáng, phải làm đơn xin phép gửi UBND cấp xã hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát và phải được cơ quan này đồng ý bằng văn bản.
Thời gian người được hưởng án treo vắng mặt tại nơi cư trú không quá 60 ngày/lần và tổng số thời gian vắng mặt không được quá 1/3 thời gian thử thách, trừ trường hợp họ bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế.
Người được hưởng án treo phải trình báo với Cơ quan công an cấp xã nơi họ đến tạm trú, lưu trú và phải được cơ quan này xác nhận bằng văn bản.
Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
Vi phạm điều kiện của án treo
Trong thời gian thử thách, nếu người được cho hưởng án treo mà cố tình vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ hai lần trở lên hoặc thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã được hưởng án treo và tổng hợp hình phạt với tội phạm mà họ mới thực hiện (nếu có).
Điều 87 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định người được hưởng án treo phải có các nghĩa vụ sau:
1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này.
2. Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
4. Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này.
5. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
6. Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.