Chế tài phạt vi phạm hợp đồng

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng là một trong các hình thức chế tài khi xử lý hành vi vi phạm hợp đồng. Vậy pháp luật quy định về phạt vi phạm hợp đồng như thế nào và mức phạt vi phạm hợp đồng là bao nhiêu?

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng
Phạt vi phạm hợp đồng là một trong các hình thức chế tài khi xử lý hành vi vi phạm hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng là gì?

Phạt vi phạm hợp đồng là một thỏa thuận trong hợp đồng, theo đó bên bị vi phạm sẽ có quyền yêu cầu bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng phải trả cho mình một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng.

Khi nào được phạt vi phạm hợp đồng?

Việc phạt vi phạm hợp đồng được đặt ra nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

– Các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về nghĩa vụ mà nếu một bên vi phạm thì sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng và mức phạt vi phạm hợp đồng cụ thể.

– Có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nêu trên xảy ra trên thực tế.

Tuy nhiên, bên vi phạm sẽ không bị phạt vi phạm hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

– Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng;

– Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

– Hành vi vi phạm của bên này hoàn toàn do lỗi của bên kia;

– Hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra là do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không biết hoặc không thể biết được vào thời điểm ký kết hợp đồng.

Bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng phải chứng minh được mình thuộc một trong các trường hợp miễn trách nhiệm nêu trên.

Mối quan hệ giữa phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại?

Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại là 02 chế tài thường gặp nhất trong hợp đồng. Mối quan hệ giữa 02 chế tài này trong từng quan hệ tranh chấp khác nhau cũng có sự khác nhau, cụ thể như sau:

1/ Đối với hợp đồng dân sự

Trong hợp đồng dân sự, các bên ký kết hợp đồng có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc bên vi phạm vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại.

Nếu các bên trong hợp đồng có thoả thuận về việc phạt vi phạm nhưng không có thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại.

Nói cách khác, trong hợp đồng dân sự, các bên muốn áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì phải có thỏa thuận trong hợp đồng.

2/ Đối với hợp đồng thương mại

Trong hợp đồng thương mại, nếu các bên ký kết hợp đồng không có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm không có quyền yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng mà chỉ có quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại.

Nếu các bên ký kết hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu áp dụng cả chế tài phạt vi phạm hợp đồng và chế tài bồi thường thiệt hại.

Nói cách khác thì trong hợp đồng thương mại, chế tài bồi thường thiệt hại được mặc nhiên áp dụng mà không cần được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Mức phạt vi phạm hợp đồng bao nhiêu?
Mức phạt vi phạm hợp đồng tùy thuộc vào loại hợp đồng

Mức phạt vi phạm hợp đồng bao nhiêu?

Mức phạt vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại

Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì mức phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại hoặc tổng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm do các bên thỏa thuận nhưng tối đa là 08% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả giám định sai do lỗi vô ý của mình thì thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định phải trả tiền phạt cho khách hàng theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng tối đa là gấp 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

Mức phạt vi phạm hợp đồng theo Bộ luật Dân sự

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mức phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự hoàn toàn do các bên thỏa thuận và không bị khống chế mức tối đa.

Mức phạt vi phạm hợp đồng theo Luật Xây dựng

Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 thì mức phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng xây dựng do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Riêng đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công thì mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)