Hotline:
Người phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không? Như thế nào thì đủ điều kiện được xem là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Thế nào là trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn về “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Việc xác định “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” được hiểu và áp dụng tương tự như hướng dẫn tại Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau:
– Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.
Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 13) hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (theo Điều 102).
Trong trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng (như tội làm nhục người khác, tội vu khống) thì cũng được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh và được xử lý theo Điều 101, khoản 3. Thí dụ: hai anh em đồng hao ở chung nhà bố mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo và trắng trợn vu khống người em, đến thời điểm nào đó lại lăng nhục người em nên người anh bị em giết.
Đối với trường hợp người dùng chất say (uống rượu) hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị say, nhân có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tùy theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như các tình tiết khác của vụ án, mà xử lý theo điều 101 về tội giết người.
– Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.
Những dấu hiệu cơ bản của trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có các dấu hiệu cơ bản sau đây:
1/ Trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi phạm tội là bị kích động mạnh
Trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trạng thái không còn nhận thức đầy đủ về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình như bình thường nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Người ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh bị mất khả năng tự chủ trong chốc lát, sau đó tinh thần họ trở lại bình thường.
Việc xác định mức độ bị kích động về tinh thần của một người có đến mức “bị kích động mạnh” hay không phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể liên quan đến: nhân thân người phạm tội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, quan hệ giữa người phạm tội và người bị hại, …
2/ Người bị hại phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, hình sự, … Thông thường các hành vi trái pháp luật của người bị hại làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần thường là hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm.
Hành vi trái pháp luật của người bị hại có thể là hành vi đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội như: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, …
Hành vi trái pháp luật có thể xảy ra một lần và có mức độ nghiêm trọng đủ để người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần nhưng cũng có trường hợp hành vi trái pháp luật của người bị hại chưa đến mức nghiêm trọng nhưng được diễn ra thường xuyên, liên tục làm cho người phạm tội bị đè nén, căm phẫn lâu ngày nên mới dẫn đến trạng thái bị kích động mạnh về tinh thần.
3/ Hành vi trái pháp luật của người bị hại là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần
Giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại và trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội có mối quan hệ nhân quả với nhau. Nếu không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại thì tinh thần của người phạm tội sẽ không bị kích động mạnh dẫn đến hành vi phạm tội.
Vì vậy, nếu người phạm tội tự đưa mình vào trạng thái tinh thần dễ bị kích động mạnh, sau đó thực hiện hành vi phạm tội thì không được xem là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, ví dụ như người phạm tội dùng bia, rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác.
Ngoài ra, nếu người bị hại là người không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (ví dụ: người bị tâm thần) mà thực hiện hành vi trái pháp luật với người phạm tội thì họ được xem là không có lỗi và người phạm tội không thuộc trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra
Trường hợp người phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra nhưng sự kích động về tinh thần chưa đến mức “bị kích động mạnh” thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ thực hiện nhưng được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm e, khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.