Nhãn hiệu chứng nhận là gì? Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận như thế nào?

Nhãn hiệu chứng nhận là một loại nhãn hiệu ngày càng được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây tại Việt Nam. Vậy nhãn hiệu chứng nhận là gì và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận như thế nào?

Nhãn hiệu chứng nhận là gì? Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận như thế nào? 1
Nhãn hiệu chứng nhận là một loại nhãn hiệu ngày càng được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây

Nhãn hiệu chứng nhận là gì?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu chứng nhận là loại nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép các chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu trên hàng hóa, dịch vụ của chủ thể đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, vật liệu, nguyên liệu, cách thức sản xuất, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận.

Danh sách nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam

Theo kết quả thống kê đến tháng 08/2021, Việt Nam đã cấp tổng cộng 497 nhãn hiệu chứng nhận.

Xem danh sách nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp: https://ipvietnam.gov.vn/danh-sach-cac-on-ang-ky-nhan-hieu-chung-nhan-a-cong-bo1

Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì các tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận nguồn gốc, đặc tính, chất lượng hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

Riêng đối với các nhãn hiệu chứng nhận có tên địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận có quyền cho phép các tổ chức và cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho hàng hoá, dịch vụ mà các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh nếu hàng hoá, dịch vụ đó đáp ứng các điều kiện quy định trong Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quản lý việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, bao gồm: thu phí quản lý nhãn hiệu, kiểm soát việc tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, …

Các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải được chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho phép và phải đáp ứng các điều kiện được quy định trong Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận ban hành, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận;

– Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

– Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

– Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ;

– Phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

– Chi phí phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu (nếu có).

Ngoài ra, Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải làm rõ được các vấn đề sau đây:

–  Các thông tin về nhãn hiệu chứng nhận, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận;

–  Các điều kiện để được sử dụng hoặc phải chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

–  Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

–  Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận;

–  Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận;

–  Cơ chế giải quyết tranh chấp.

Nhãn hiệu chứng nhận là gì? Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận như thế nào? 3
Nhãn hiệu chứng nhận có gì khác so với nhãn hiệu thông thường?

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bao gồm các giấy tờ sau:

1. Tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập, …

2. Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu);

3. Mẫu nhãn hiệu chứng nhận;

4. Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

5. Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận (nếu nhãn hiệu là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc nguồn gốc địa lý);

6. Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm hoặc có chứa địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

7. Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý cho đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu là nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

8. Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

So sánh nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể

Điểm giống nhau giữa nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể:

– Đều là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ.

– Đều là nhãn hiệu được sử dụng bởi nhiều cá nhân, tổ chức.

– Thời hạn bảo hộ từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Điểm khác nhau giữa nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể:

1. Về chức năng của nhãn hiệu:

– Nhãn hiệu tập thể: Dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác không phải là thành viên của tổ chức đó.

– Nhãn hiệu chứng nhận: Dùng để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ an toàn, độ chính xác hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

2. Về chủ sở hữu nhãn hiệu

– Nhãn hiệu tập thể: Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là các tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.

– Nhãn hiệu chứng nhận: Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận tổ chức có chức năng chứng nhận, kiểm soát đặc tính, chất lượng, nguồn gốc và các tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Chủ sở hữu nhãn hiệu không được tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

3. Về người được sử dụng nhãn hiệu:

– Nhãn hiệu tập thể: Chỉ các thành viên thuộc tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể mới được sử dụng nhãn hiệu tập thể đó.

– Nhãn hiệu chứng nhận: Các cá nhân, tổ chức bất kỳ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các điều kiện của Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và được chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cho phép thì được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đó.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (3 bình chọn)