Hotline:
Hành vi ngoại tình có vi phạm Luật Hôn nhân gia đình không và vi phạm ở mức độ nào?
Thế nào là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình?
Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Mọi hành vi thực hiện các điều cấm hoặc không tuân thủ quy định của Luật này đều bị xem là hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.
Các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân gia đình
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình, các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân gia đình bao gồm:
Thực hiện việc kết hôn giả tạo hoặc ly hôn giả tạo nhằm thực hiện một mục đích khác
Kết hôn giả tạo là hành vi lợi dụng việc kết hôn để đủ điều kiện được xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài hoặc để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng một gia đình.
Ly hôn giả tạo là hành vi lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ về tài sản hoặc vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Các hiện tượng tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn hoặc cản trở người khác kết hôn
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Cưỡng ép người khác kết hôn là hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác hoặc hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc có hành vi khác để ép buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
Lừa dối người khác kết hôn là dùng thủ đoạn gian dối để người khác tin và kết hôn với mình.
Cản trở người khác kết hôn là hành vi đe doạ, uy hiếp tinh thần của người khác hoặc hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc thực hiện hành vi khác để ngăn cản người khác kết hôn khi họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng.
Sống chung như vợ chồng là việc hai bên người nam và người nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng trên thực tế.
Kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trong trường hợp cận huyết hoặc trái đạo đức xã hội
Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam nghiêm cấm những người có mối quan hệ cận huyết kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng, bao gồm:
– Những người cùng dòng máu về trực hệ. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Ví dụ: mẹ ruột – con ruột, bố ruột – con ruột.
– Những người có họ trong phạm vi ba đời. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người sinh ra từ cùng một gốc. Ví dụ: anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, anh chị em họ con chú bác cô cậu dì.
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình còn nghiêm cấm các trường hợp kết hôn trái đạo đức xã hội, bao gồm:
– Cha hoặc mẹ nuôi kết hôn với con nuôi.
– Người từng là cha hoặc mẹ nuôi kết hôn với con nuôi.
– Người từng là cha chồng kết hôn với con dâu.
– Người từng là mẹ vợ kết hôn với con rể.
– Người từng là cha dượng kết hôn với con riêng của vợ
– Người từng là mẹ kế kết hôn với con riêng của chồng.
Yêu sách của cải khi kết hôn
Yêu sách của cải khi kết hôn là hành vi đòi hỏi một cách quá đáng về vật chất và xem đó là một trong những điều kiện kết hôn với mục đích ngăn cản việc kết hôn tự nguyện.
Bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi của vợ hoặc chồng hoặc cả hai làm cho thành viên còn lại trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ hoặc tinh thần.
Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn
Các trường hợp này tương tự như các trường hợp cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn và cản trở kết hôn. Tuy nhiên, mục đích của việc cưỡng ép ly hôn là buộc người khác phải ly hôn trái với ý muốn của họ. Mục đích của việc lừa dối ly hôn là nhằm làm cho người khác tin vào thủ đoạn gian dối mà ly hôn. Mục đích của việc cản trở ly hôn là buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ
Thực hiện các biện pháp sinh con bị cấm
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, các biện pháp sinh con bị cấm bao gồm:
– Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại là việc sinh con bằng thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm vì mục đích thương mại mà không phải vì mục đích nhân đạo.
– Mang thai hộ vì mục đích thương mại. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ thực hiện hành vi mang thai giùm cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để đổi lại lợi ích về kinh tế hoặc một lợi ích khác.
– Lựa chọn giới tính của thai nhi.
– Biện pháp sinh sản vô tính.
Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật
Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để thực hiện hành vi mua bán người, bóc lột sức lao động của người khác, xâm phạm tình dục người khác hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Ngoại tình có vi phạm Luật Hôn nhân gia đình không?
Như đã phân tích ở trên, ngoại tình là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, và tuỳ mức độ nghiêm trọng và hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính vi phạm chế độ hôn nhân
Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định xử phạt vi phạm hành chính vi phạm chế độ hôn nhân như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.
Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là từ 3 – 5 triệu đồng. Trong trường hợp những người kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng có mối quan hệ đặc biệt như cha nuôi – con nuôi, mẹ nuôi – con nuôi, những người cùng dòng máu trực hệ, những người có họ trong phạm vi ba đời, … thì mức phạt tiền sẽ từ 10 – 20 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]