Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Vậy, các bên có thể sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng nào nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho bản thân hoặc doanh nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp

Tranh chấp hợp đồng là gì?

Tranh chấp hợp đồng được hiểu là sự bất đồng ý kiến, mâu thuẫn giữa các bên trong quan hệ hợp đồng về các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo hợp đồng đã ký kết.

Tranh chấp hợp đồng bao gồm tranh chấp hợp đồng dân sự và tranh chấp hợp đồng thương mại.

Đặc điểm của tranh chấp Hợp đồng

– Tranh chấp phát sinh trực tiếp từ quan hệ hợp đồng.

– Tranh chấp thường liên quan đến tài sản hoặc lợi ích khác gắn liền với các bên tranh chấp.

– Nguyên tắc giải quyết là bình đẳng, thỏa thuận.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, bao gồm:

1. Thương lượng.

2. Hoà giải.

3. Khởi kiện tại Tòa án.

4. Khởi kiện tại Trọng tài thương mại.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng thương lượng

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng thương lượng là việc các bên tranh chấp tự bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất phương án giải quyết mâu thuẫn mà không cần sự tham gia của Nhà nước hay bất kỳ bên thứ ba nào. Hầu hết các tranh chấp hợp đồng hiện nay đều được giải quyết thông qua con đường thương lượng.

Đặc điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng thương lượng:

– Các bên tự thỏa thuận để thống nhất giải pháp giải quyết mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên tinh thần tự nguyện.

– Không có sự tham gia của bên thứ ba ngoài các bên tranh chấp.

– Sau khi thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp phải tự nguyện thi hành thỏa thuận đã thống nhất.

Ưu điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng thương lượng:

– Đơn giản, nhanh chóng, linh hoạt.

– Không tốn chi phí.

– Không làm tổn hại mối quan hệ hợp tác giữa các bên tranh chấp, có thể tiếp tục hợp tác trong tương lai.

– Không phải cung cấp thông tin, tài liệu cho bên thứ ba nên không làm lộ bí mật kinh doanh của các bên.

Nhược điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng thương lượng:

– Phương thức giải quyết tranh chấp này đòi hỏi tất cả các bên phải thiện chí và nỗ lực giải quyết tranh chấp, nếu không thì khả năng thành công thấp.

– Kết quả thương lượng không mang tính bắt buộc mà do các bên tự nguyện thi hành nên nếu một bên không thực hiện nội dung đã thương lượng thì việc thương lượng cũng không có kết quả.

– Một bên có thể lợi dụng thủ tục thương lượng để trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình, trong một số trường hợp có thể làm mất quyền khởi kiện của bên còn lại vì hết thời hiệu khởi kiện.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải là cách để giữ lại mối quan hệ tốt đẹp với đối tác

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng hòa giải

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng hòa giải là việc giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp để giải quyết mâu thuẫn. Hiện nay có các hình thức hòa giải như sau:

– Hòa giải thương mại: Hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp hợp đồng.

– Hòa giải tại Tòa án: Trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, các bên được quyền yêu cầu hòa giải viên được bổ nhiệm của Tòa án hỗ trợ các bên hòa giải, thỏa thuận giải quyết vụ việc.

– Hòa giải trong tố tụng dân sự: Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự (trừ một số trường hợp đặc thù không được tiến hành hòa giải). Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tạo điều kiện để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

– Hòa giải trong tố tụng trọng tài: Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp.

Ưu điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng hòa giải:

– Đơn giản, nhanh chóng, linh hoạt.

– Không tốn chi phí.

– Không làm tổn hại mối quan hệ hợp tác giữa các bên tranh chấp, có thể tiếp tục hợp tác trong tương lai.

– Hòa giải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên nên khi thống nhất được phương án hòa giải, các bên thường nghiêm túc thực hiện.

– Các bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, có giá trị bắt buộc thi hành giữa các bên.

Nhược điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng hòa giải:

– Phương thức giải quyết tranh chấp này đòi hỏi tất cả các bên phải thiện chí và nỗ lực giải quyết tranh chấp, nếu không thì khả năng thành công thấp.

– Một bên có thể lợi dụng thủ tục hòa giải để trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình, trong một số trường hợp có thể làm mất quyền khởi kiện của bên còn lại vì hết thời hiệu khởi kiện.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua thủ tục xét xử tại Tòa án

Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua thủ tục xét xử tại Tòa án là việc tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành giải quyết tranh chấp hợp đồng theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đặc điểm của giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Tòa án

– Việc giải quyết tranh chấp phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục khắc khe theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

– Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện qua 02 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm.

– Tòa án xét xử công khai.

– Phán quyết có hiệu lực của Tòa án được đảm bảo thi hành bằng cưỡng chế nhà nước.

Ưu điểm của giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Tòa án

– Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án có tính cưỡng chế thi hành.

– Việc giải quyết tranh chấp qua nhiều cấp xét xử đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án được chính xác, đúng pháp luật.

– Chi phí giải quyết tranh chấp thấp.

Nhược điểm của giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Tòa án

– Thủ tục giải quyết tại tòa án thường phức tạp, kéo dài.

– Tòa án xét xử công khai nên các bên có thể bị lộ bí mật kinh doanh trong quá trình giải quyết tranh chấp.

– Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án tạo nên thế đối đầu căng thẳng giữa hai bên, khó tiếp tục duy trì quan hệ làm ăn trong tương lai.

– Bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam muốn được thi hành ở nước ngoài phải trải qua thủ tục công nhận khắc khe của quốc gia nơi bản án, quyết định được thi hành.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng 3
Chi phí giải quyết tranh chấp tại Tòa án thấp hơn Trọng tài

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại là việc Hội đồng trọng tài hoặc Trọng tài viên được chỉ định tiến hành giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các bên theo quy tắc tố tụng trọng tài được hai bên thỏa thuận.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ áp dụng cho các tranh chấp hợp đồng thương mại, không áp dụng cho các tranh chấp hợp đồng dân sự.

Các hình thức trọng tài thương mại

Có 2 hình thức trọng tài thương mại là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế, cụ thể như sau:

Trọng tài vụ việc (ad-hoc):

– Do các bên thành lập để giải quyết tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động sau khi giải quyết xong tranh chấp.

– Không có quy tắc tố tụng trọng tài riêng, quy tắc tố tụng trọng tài của mỗi vụ việc do các bên tranh chấp tự thỏa thuận.

Trọng tài thường trực (quy chế):

– Có cơ cấu tổ chức và bộ máy điều hành, được thành lập theo quy định của pháp luật.

– Có danh sách trọng tài viên để các bên tranh chấp lựa chọn.

– Mỗi trung tâm trọng tài có quy tắc tố tụng trọng tài riêng của mình.

Ưu điểm của giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thương mại

– Trọng tài chỉ có một cấp xét xử và có giá trị chung thẩm, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên.

– Thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp linh động, nhanh chóng.

– Trọng tài viên do các bên tranh chấp lựa chọn nên quá trình giải quyết tranh chấp không căng thẳng như Tòa án, các bên dễ có cơ hội hòa giải, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc.

– Trọng tài xét xử kín, đảm bảo giữ bí mật các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của các bên.

Nhược điểm của giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài thương mại

– Chi phí cao.

– Các bên chỉ được nộp đơn khởi kiện ra Trọng tài thương mại nếu có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.

– Trọng tài thương mại thường gặp khó khăn trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc khi cần triệu tập nhân chứng do không có tính quyền lực nhà nước như Tòa án.

– Phán quyết của trọng tài có thể bị tòa án xem xét hủy nếu có căn cứ hủy theo quy định của pháp luật.

Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có ưu và nhược điểm riêng. Vì vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các bên tranh chấp lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (6 bình chọn)