Hotline:
Trong xã hội ngày nay, tỷ lệ người phạm tội cố ý gây thương tích ngày càng tập trung nhiều ở bộ phận trẻ vị thành niên. Tùy vào thương tích, nhân thân của người bị hại và tính chất, mức độ hành vi của người phạm tội mà họ phải chịu mức chế tài tương ứng của pháp luật. Vậy, trường hợp đánh người gây thương tích nhẹ sẽ bị xử lý như thế nào?
Cố ý gây thương tích là gì?
Cố ý gây thương tích là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Lỗi cố ý bao gồm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp:
– Cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi là sẽ gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
– Cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hành vi có thể gây ra hậu quả là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác. Mặc dù người phạm tội không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (bị thương cũng được, không bị thương cũng được).
Xử phạt hành chính tội cố ý gây thương tích
Trường hợp người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng và phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị, phục hồi sức khỏe cho người đó.
Đánh người gây thương tích bao nhiêu phần trăm trở lên thì bị truy cứu hình sự?
Theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu người nào gây thương tích cho người khác từ 11% trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, thông thường, việc gây thương tích cho người khác dưới 11% sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định trong một số trường hợp sau, mặc dù thương tích của người bị hại dưới 11%, người gây ra thương tích vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
– Dùng hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người.
– Dùng a-xít, hóa chất nguy hiểm.
– Người bị hại là người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà người phạm tội biết là đang mang thai, người già yếu, người ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ.
– Người bị hại là ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo, người nuôi dưỡng hoặc chữa bệnh cho người phạm tội.
– Thực hiện hành vi có tổ chức.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây thương tích cho người khác.
– Gây thương tích cho người khác trong thời gian người phạm tội đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, bị phạt tù, chấp hành giáo dục tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Người phạm tội là người đã thuê người khác gây thương tích cho người bị hại hoặc người phạm tội là người được người khác thuê gây thương tích cho người bị hại.
– Người phạm tội thực hiện hành vi có tính chất côn đồ (đánh người không vì nguyên cớ gì hoặc vì những lý do rất nhỏ nhặt)
– Gây thương tích cho người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của người bị hại.
Điều 134 tội cố ý gây thương tích
Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nội dung của Điều luật này như sau:
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đánh người gây thương tích nhẹ bị xử lý như thế nào?
Hành vi đánh người khác gây thương tích nhẹ, tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý như sau:
– Nếu thương tích gây ra cho người bị hại dưới 11% và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự: Chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
– Nếu thương tích gây ra cho người bị hại dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự: Người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì có thể thương lượng, hòa giải, bồi thường cho người bị hại để họ làm đơn xin bãi nại. Trong trường hợp này, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.