Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam hiện hành.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là một trong ba đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ

Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu bán quyền sở hữu công nghiệp mà mình đang nắm giữ cho chủ thể khác. Người nhận chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu mới của quyền sở hữu công nghiệp.

Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các trường hợp hạn chế chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

1. Chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi được bảo hộ. Phạm vi được bảo hộ có thể là thời hạn bảo hộ, danh mục sản phẩm, dịch vụ được đăng ký bảo hộ, quốc gia được bảo hộ, …

2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là của Nhà nước và không được chuyển nhượng.

3. Chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng quyền đối với tên thường mại nếu chuyển nhượng cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh sử dụng tên thương mại đó.

4. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu không được tạo sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Người nhận chuyển nhượng nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện như đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó (nếu có).

6. Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là một thỏa thuận pháp lý giữa hai bên, trong đó bên sở hữu quyền sở hữu công nghiệp (bên chuyển nhượng) chuyển giao quyền sở hữu đó cho bên khác (bên nhận chuyển nhượng). Quyền sở hữu công nghiệp có thể bao gồm các quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, và các quyền sở hữu trí tuệ khác được bảo hộ theo pháp luật.

Hợp đồng này xác định rõ các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc chuyển giao quyền, bao gồm giá trị chuyển nhượng, phạm vi quyền được chuyển giao, thời hạn và các điều kiện khác mà các bên cần tuân thủ. Sau khi hợp đồng được ký kết và thực hiện, bên nhận chuyển nhượng sẽ có quyền sử dụng, khai thác, và hưởng lợi từ quyền sở hữu công nghiệp đã được chuyển giao theo các điều khoản của hợp đồng và quy định pháp luật.

Nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là một văn bản pháp lý quan trọng và bắt buộc phải được lập thành văn bản để có giá trị pháp lý. Các nội dung chính của hợp đồng này bao gồm:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của các bên: Hợp đồng cần phải xác định rõ tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Thông tin này phải chính xác và đầy đủ để xác định rõ ràng danh tính của các bên tham gia giao dịch.
  • Căn cứ chuyển nhượng: Hợp đồng cần nêu rõ căn cứ pháp lý mà dựa vào đó quyền sở hữu công nghiệp được chuyển nhượng. Điều này có thể bao gồm các bằng chứng về quyền sở hữu, chứng nhận bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp, và các điều kiện pháp lý khác cần thiết để tiến hành việc chuyển nhượng.
  • Giá chuyển nhượng: Giá trị chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng. Giá này có thể được xác định dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm giá trị thương mại của quyền sở hữu công nghiệp, các thỏa thuận giữa các bên, và có thể là một khoản tiền cụ thể hoặc các điều kiện thanh toán khác.
  • Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên: Hợp đồng phải quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Điều này bao gồm quyền sử dụng, khai thác quyền sở hữu công nghiệp, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, và các nghĩa vụ tài chính, pháp lý liên quan.

Các nội dung này là những yếu tố chủ yếu cần phải có trong bất kỳ hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nào để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu lực của hợp đồng.

Đăng ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký việc chuyển nhượng (theo mẫu).
  • Hợp đồng chuyển nhượng.
  • Bản gốc văn bằng bảo hộ.
  • Văn bản đồng ý của các đồng sở hữu về việc chuyển nhượng (nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung).
  • Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng (nếu nhãn hiệu chuyển nhượng là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận).
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của Bên nhận chuyển nhượng (nếu nhãn hiệu chuyển nhượng là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận).
  • Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp).
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (3 bình chọn)